Vụ trường Đại học Đông Đô đào tạo và cấp bằng giả: Lỗ hổng quản lý đào tạo, coi trọng bằng cấp

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc trường Đại học (ĐH) Đông Đô đào tạo văn bằng hai ngành Ngôn ngữ tiếng Anh khi chưa được phép và cấp bằng giả đã cảnh báo lỗ hổng trong cơ chế giám sát tuyển sinh, cấp văn bằng hai và gióng lên hồi chuông về công tác cán bộ.

Hủy văn bằng giả, bỏ kết quả liên quan
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đã kết luận vụ án “Giả mạo trong công tác”, cụ thể trường ĐH Đông Đô cấp bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Tiếng Anh, hệ văn bằng hai cho 626 trường hợp. Trong số 193 người được trường ĐH Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng, có 60 trường hợp dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, thi công chức...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương truy bắt Trần Khắc Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, trường ĐH Đông Đô. Đồng thời, các cơ quan chức năng làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT trong vụ án “Giả mạo trong công tác”; nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng tiếp tục làm rõ số cá nhân được trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ tiếng Anh giả, các văn bằng chứng chỉ khác; xem xét xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật...
Trường Đại học Đông Đô đã đào tạo văn bằng hai ngành Ngôn ngữ tiếng Anh khi chưa được phép và đã cấp bằng giả cho 626 trường hợp.Ảnh: Internet
Các trường ĐH đã có những hành động kiên quyết, không để người sử dụng bằng giả để học lên bậc cao hơn. ĐH Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các trường, khoa thành viên rà soát toàn bộ văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ của người học đã tốt nghiệp từ năm 2016 đến 2019 và lập danh sánh những người đã sử dụng văn bằng hai ngành Ngôn ngữ tiếng Anh do trường ĐH Đông Đô cấp. Kết quả, các cơ sở đào tạo đã phát hiện 3 nghiên cứu sinh dùng văn bằng hai Ngôn ngữ tiếng Anh để xét (2 đầu vào và 1 đầu ra) và loại bỏ văn bằng ra khỏi hồ sơ. Học viện Khoa học xã hội thống kê được 12 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô (11 người đang là nghiên cứu sinh, 1 người làm thạc sĩ) và đưa ra quyết định thu lại bằng, hủy kết quả liên quan.

Hồi chuông cảnh báo công tác cán bộ

Vụ việc trường ĐH Đông Đô đào tạo và cấp bằng giả trong thời gian dài từ năm 2015 đến 2019 mới được phát hiện, nhiều chuyên gia khẳng định là do Bộ GD&ĐT quản lý quá lỏng lẻo. GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bức xúc, từ việc trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả đã có bao nhiêu người được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Những người được cấp bằng giả, nếu sau này có chức quyền rất nguy hại cho đất nước. Vì thế, Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm, không thể nói rằng chỉ đăng giúp trường ĐH Đông Đô thông tin và đề án tuyển sinh lên web tuyển sinh của Bộ. Đồng tình với ý kiến này, TS Lê Viết Khuyến nói: “Khi dần dần giao quyền tự chủ cho các trường, Bộ GD&ĐT vẫn phải có trách nhiệm quản lý, không thể thả nổi hoàn toàn. Xét về quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT vẫn có trách nhiệm trong đó”.

Vụ việc 626 bằng cử nhân giả không chỉ là một đại án giáo dục mà còn đặt ra vấn đề coi trọng hình thức và bằng cấp trong xã hội vẫn còn tồn tại. Những người trẻ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà phải thốt lên: Bệnh hình thức và háo danh khá phổ biến trong người Việt bởi nó được nuôi dưỡng bởi một hệ thống tiêu chuẩn hình thức; bằng cấp đang trở thành những điều kiện bắt buộc để được tuyển dụng công chức, viên chức và thăng tiến trong các cơ quan nhà nước. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: Không chỉ trường ĐH Đông Đô mà một số trường ĐH khác đã tiếp tay cho những người sử dụng bằng giả, kiến thức giả; tạo điều kiện cho họ có cơ hội thăng tiến. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo khi chúng ta cần nhiều bằng cấp, hồ sơ đẹp để phục vụ công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. “Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 và 13, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi đã cảnh báo có rất nhiều cái giả như văn bằng giả, kiến thức giả và những cái không thật khác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta không theo quy chuẩn quốc tế là phỏng vấn, đặt tình huống giả định ở vị trí tuyển dụng để biết cách họ xử lý thế nào, có xứng đáng hay không” - ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Để ngăn chặn bằng giả, kiến thức giả, Bộ GD&ĐT cũng phải có cách để thanh tra, kiểm tra, tăng cường kiểm soát hoạt động đào tạo của các trường ĐH. Một vấn đề quan trọng cũng được đặt ra, đó là điều chỉnh công tác đề bạt, tuyển dụng cán bộ để có những cán bộ có kiến thức thật, tài năng thật.