Là điểm đến quan trọng của hành trình tìm kiếm những tài năng nấu nướng không chuyên của MasterChef Vietnam, Hà Nội đã thu hút một số lượng lớn thí sinh đến từ khu vực phía Bắc đăng ký tham gia. Từ hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi, ban tổ chức đã lựa chọn gần 200 thí sinh tiềm năng nhất để tiếp tục tham dự vòng sơ loại của chương trình diễn ra tại Khu đô thị Ecopark vào cuối tuần qua.
Dù thời gian chính thức của vòng sơ tuyển được bắt đầu lúc 7h30 sáng, nhưng từ sáng sớm, ban tổ chức đã đón nhận khá đông thí sinh đến xếp hàng và chờ đợi để được gặp ban giám khảo của chương trình. Trong đó, có những thí sinh đến từ tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã phải dậy từ rất sớm (3 giờ sáng) bắt xe lên Hà Nội để kịp tham gia vòng sơ tuyển. Phần đông thí sinh tham dự Vua đầu bếp đều là những bạn trẻ, nhưng mỗi thí sinh lại mang đến một màu sắc khác nhau với các món ăn đặc sắc, đa dạng từ Á đến Âu. Dù phải chờ đợi khá lâu dưới thời tiết nóng bức của mùa hè, nhưng vẫn không ngăn cản được sự hồi hộp, hào hứng và khát khao thể hiện tình yêu ẩm thực của hàng trăm thí sinh. Điều đó được thể hiện qua cách họ trình bày món ăn và thuyết trình món ăn của mình trước ban giám khảo. Chính sự tự tin và niềm đam mê dành cho các món ăn của thí sinh đã mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho giám khảo tại vòng sơ tuyển.
Nguyễn Minh Ngọc
|
Thí sinh Trần Khánh Phương là cô gái cá tính với đam mê nấu ăn cháy bỏng từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô xin bác được làm chạy bàn trong một khách sạn tại Hà Nội để có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên với các đầu bếp chuyên nghiệp tại nơi mình làm việc để học hỏi kinh nghiệm. Món dự thi của Phương ở vòng sơ loại là món Crème Brulee’, ăn kèm với kem dừa và 3 loại sốt: sốt sầu riêng, dâu rừng và chanh dây.
Nguyễn Tùng Lâm
|
Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, thí sinh Nguyễn Tùng Lâm đã sang Mỹ học thạc sỹ, hiện là làm việc tại văn phòng giao dịch của một ngân hàng TMCP trên địa bàn Hà Nội. Điểm mạnh của Tùng Lâm là các món Fusion, tức là pha lẫn phong cách các nước giữa Á và Âu. Món Tùng Lâm dự thi là Bắp cải cuộn thịt và gạo bỏ lò kiểu Nga. Để thực hiện món ăn này, người đầu bếp cần một chút sự sáng tạo trong cách bày và kiên trì trong việc tìm các loại gia vị đi kèm.
Thí sinh Vũ Thị Ngọc Ái từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sinh học, ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn. Vì những khó khăn và biến cố trong cuộc sống, chị đi làm giúp việc cho gia đình người Hàn Quốc, rồi đến nay, chị nấu ăn cho hai gia đình người Nhật đến nay được 10 năm. Ngoài khả năng nấu tốt các món nấu ăn Việt Nam, chị còn tự tìm hiểu công thức các món Nhật để nấu. Tham gia chương trình, món ăn chị chọn dự thi là “Cá nục dầm chua ngọt” được nấu theo kiểu Nhật, chị quan niệm đây là món ăn đầy đủ màu sắc, ngũ hành, và hội tụ đầy đủ dinh dưỡng và màu sắc.
Vòng sơ tuyển tại Hà Nội năm nay chào đón sự xuất hiện trở lại của thí sinh Nguyễn Thị Minh Ngọc (dân tộc Mường) hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ở “Vua đầu bếp” mùa đầu tiên, Minh Ngọc đã lọt vào vòng Boot Camp Top 37, nhưng cô đã sớm dừng chân tại thử thách “kỹ năng thái hành”. Có kinh nghiệm vòng sơ loại năm trước, Minh Ngọc mang đến ban giám khảo món “Bánh cua trứng kiến”. Đây là món ăn đậm chất văn hóa của dân tộc Mường, được chế biến rất kỳ công, đó là lấy trứng kiến làm nhân cuốn với lá sung lá vải.
Sau một ngày thi căng thẳng các giám khảo đã lựa chọn ra những thí sinh nổi bật nhất để tiến vào vòng Audition để gặp ban giám khảo chính thức của chương trình, được diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4 và 5/5/2014.