Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vừa đấu nhau, vừa đua với thời gian

Chia sẻ Zalo

KTĐT – Càng gần đến thời hạn chót là ngày 2/8, cuộc tranh đấu giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Mỹ về cách giải quyết vấn đề nợ công càng quyết liệt và tình thế của cả hai đảng càng thêm khó xử.

Nếu hai bên không kịp thời đạt được thỏa hiệp thì nước Mỹ sẽ bị vỡ nợ, kéo theo nhiều hậu quả và hệ lụy tai hại tới kinh tế và xã hội nước Mỹ cũng như kinh tế thế giới. Cả hai đảng này đều không muốn bị cử tri trong nước và dư luận bên ngoài coi là thủ phạm đẩy nước Mỹ đến tình trạng đó, nhưng lại cũng không muốn nhượng bộ của mình bị bên kia coi là thắng lợi về chính trị và lợi dụng làm ưu thế cho cuộc tranh cử Tổng thống năm tới. Cho nên chừng nào còn thời gian thì chừng đó hai phía còn làm găng với nhau, còn bất hợp tác với nhau và còn tranh thủ dư luận bằng những đề nghị giải pháp riêng của mình, mặc dù biết rằng chúng sẽ bị phía bên kia bác bỏ ngay lập tức.
 
Tuy nhiên, cả hai phía cũng đều ý thức được là họ cùng phải chạy đua với thời gian. Từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước đến nay, mức độ giới hạn vay nợ công của Nhà nước đã được nâng 89 lần ở nước Mỹ, nhưng cũng chỉ có một vài lần hai phe không đạt được thỏa hiệp trước thời hạn. Lần nào cũng vậy, vấn đề đặt ra đối với cả Chính phủ lẫn Quốc hội Mỹ không phải là nâng hay không nâng mức độ giới hạn nợ công, mà chỉ là nâng bao nhiêu và đi cùng với điều kiện gì về cân bằng ngân sách Nhà nước và tiết kiệm chi tiêu. Vì sang năm, nước Mỹ lại tiến hành bầu cử Tổng thống nên lần giằng co này về giải pháp cho vấn đề nợ công có được ý nghĩa quan trọng hơn. Đảng Cộng hòa chủ định giải pháp tình thế để đưa nước Mỹ qua được thời điểm ngày 2/8 tới và buộc Tổng thống Barack Obama cùng với Đảng Dân chủ phải giải quyết vấn đề này một lần nữa trước ngày bầu cử tổng thống đầu tháng 11 sang năm. Đảng Dân chủ muốn tránh sập bẫy ấy và chủ trương giải pháp có hiệu lực ít nhất cho tới sau ngày bầu cử Tổng thống tới. Mọi khía cạnh nội dung khác của giải pháp như có hay không tăng thuế nhằm vào người có thu nhập cao, mức độ tiết kiệm chi tiêu ngân sách đến đâu và dự tính khi nào mới có thể cân bằng được ngân sách Nhà nước chỉ là chuyện phụ. Sớm muộn hai phía rồi sẽ phải đi tới thỏa hiệp.
 
Nhưng giải pháp cho vấn đề nợ công của Mỹ dẫu có như thế nào thì uy danh của nước Mỹ cũng đã bị tổn hại, vị thế quốc tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng đã bị ảnh hưởng, đơn giản chỉ vì hai phái ở nước Mỹ đã lạm dụng việc giải quyết vấn đề này cho cuộc tranh giành quyền lực chính trị, bất kể những tác động tai hại cho chính nước Mỹ và nển kinh tế thế giới.