Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Vua” ổi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa là cán bộ tận tụy ngoài thời gian công tác, anh Trần Văn Long ở xã Liên Mạc (Thanh Hà - Hải Dương) còn là người làm kinh tế gia đình giỏi. Bằng nghị lực và khát vọng, anh đã thành công, và được bà con gọi gằng cái tên thân mật “vua” ổi.

KTĐT - Vừa là cán bộ tận tụy ngoài thời gian công tác, anh Trần Văn Long ở xã Liên Mạc (Thanh Hà - Hải Dương) còn là người làm kinh tế gia đình giỏi. Bằng nghị lực và khát vọng, anh đã thành công, và được bà con gọi gằng cái tên thân mật “vua” ổi.

Chúng tôi đến thăm anh Long vào một sáng chủ nhật se lạnh. Mới sáng sớm nhưng anh Long đã ở ngoài vườn, đang hì hụi đánh gốc cây vải vừa chặt. Thế là câu chuyện về thời gian làm kinh tế của anh bắt đầu ngay tại khu vườn bát ngát cây xanh.

Gian nan ngày khởi nghiệp

Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Long về tham gia công tác tại địa phương. Kinh qua nhiều nhiệm vụ, năm 1988, anh Long được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an. Đầu năm 1989, anh xây dựng gia đình và ra ở riêng. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Long tâm sự: “Mới ra ở riêng, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Cha mẹ sinh tới 8 người con nên vợ chồng tôi chỉ được chia vài sào ruộng”.

Năm 1990, anh Long chuyển sang làm công tác văn phòng, lương tháng chỉ có 120.000đồng. Đồng lương ít ỏi, lại thêm đứa con đầu lòng ra đời khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định vay vốn ngân hàng, mượn của anh em họ hàng mua thêm ruộng để có đất canh tác. Vay được hơn 6 triệu đồng, anh đầu tư mua 7 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2). “Đúng là muốn thoát nghèo thì phải liều. Ngày ấy tôi cứ nghĩ có đất thì mới trồng được cây mà thu hái sản phẩm chứ chưa nghĩ đến chuyện nếu làm ăn thất bát thì với đồng lương ba cọc ba đồng không biết bao giờ mới trả hết nợ”.

Năm 1994, Nhà nước có chính sách giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn bộ hơn 7 sào ruộng anh Long chuyển sang đào ao thả cá, đắp đất lập vườn. Vùng đất Thanh Hà có đặc sản vải thiều nổi tiếng, cây vải lúc đó cho giá trị kinh tế cao nên anh quyết định trồng vải và xen một số cây ăn quả khác.

Năm 2004, do mưa nhiều, vườn cây bị ngập úng, quả vải thì liên tục xuống giá, anh Long quyết định đào gốc, lộn lại đất để trồng cây khác. Lúc đó, một số người trong xã lấy giống ổi từ Thái Bình về lai tạo với giống ổi địa phương. Thấy cây ổi sai quả, hiệu quả kinh tế cao lại hợp với đồng đất quê nhà, anh đã chuyển toàn bộ diện tích vườn sang trồng ổi.

Anh Long cho biết: “Lúc đó, những hộ trồng ổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá ổi tuy chỉ 2.000 đồng/kg nhưng cũng được giá hơn nhiều so với vải, nếu biết cách chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật, ổi có thể cho thu hoạch quanh năm. Bên cạnh đó, vợ anh còn gieo hạt ươm cây giống, thu hàng chục triệu đồng/năm. Hiện diện tích trồng ổi của anh Long đã lên tới 12 sào.

Khó khăn được đền đáp

Với 12 sào đất vườn, anh Long còn trồng thêm gừng dưới tán ổi, tận dụng diện tích mặt nước và các khoảng trống để làm giàn trồng gấc.

Do thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng nên giá ổi tăng lên nhanh chóng. ổi trái vụ mua tại vườn có giá 10.000 - 11.000 đồng/kg. Chính vụ cứ 10 ngày lại được thu hoạch một đợt, mỗi lần thu 3 - 4 tạ quả, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Long thu lãi 100 - 120 triệu đồng.

Thấy mô hình trồng ổi của gia đình anh Long cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con trong xã đã học tập làm theo. Hiện Liên Mạc đã có nhiều người có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây ổi. ông Tiêu Công Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Anh Long là tấm gương sáng trong công việc và phát triển kinh tế, đáng để mọi người học tập”.