Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vừa tiết kiệm, vừa văn minh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được tin người bác họ ở quê mất, ông Thịnh thu xếp công việc về quê ngay. Vừa về tới nhà anh trai, ông Thịnh sốt sắng: "Nhận được điện thoại của bác, em bố trí thời gian, xin nghỉ việc cả ngày mai đấy bác ạ!". "Ấy chết! Sao chú lại làm thế, hết giờ làm việc, chú về cũng chưa muộn" - ông Thông đáp lời.

 "Em thấy đám hiếu, đám hỷ ở làng mình lần nào cũng vậy, thủ tục rườm rà, cỗ bàn linh đình kéo dài đến vài ba ngày. Mình là con cháu, về chốc lát rồi đi ngay sợ họ hàng, làng xóm đánh giá, bác ạ!" - ông Thịnh ngập ngừng."Trước đây thì vậy, còn bây giờ thay đổi nhiều rồi chú ạ! Trong làng, ngoài xóm gia đình nào có người mất, bà con hàng xóm, bạn bè gần xa chỉ đến thăm viếng, giúp việc chứ không ăn cỗ, tránh phiền hà, tốn kém cho gia chủ" - ông Thông từ tốn.

 

Rồi ông Thông nói thêm: "Xã mình thường xuyên duy trì mô hình Ban Tổ chức lễ tang, từ xã đến thôn. Gia đình nào có người qua đời, Ban Tổ chức lễ tang sẽ phối hợp với gia chủ tổ chức tang lễ chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, bảo đảm đúng thời gian quy định. Vì vậy, những lệ làng lạc hậu dần được xóa bỏ. Không những thế, vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm được chi phí. Rồi việc xây cất mồ mả cũng được người dân thực hiện nghiêm túc, đúng với quy định trong xây dựng nông thôn mới, chú ạ!".

 

Nghe ông Thông nói, ông Thịnh tỏ vẻ đồng tình: "Vậy là thực hiện văn minh trong việc tổ chức lễ tang, vừa tiết kiệm mà vẫn phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, bác nhỉ!".