Vui buồn chuyện ứng xử của nghệ sĩ

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng nhau kêu gọi hiến máu cứu người, không ngại khó ngại khổ lặn lội lên với đồng bào vùng xuôi kéo điện về bản… đó là những hình ảnh thường thấy ở các nghệ sĩ như danh hài Xuân Bắc, diễn viên Bảo Thanh, ca sĩ Đông Hùng, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh. Những việc làm này không chỉ xuất phát từ trái tim của nghệ sĩ, mà khi làm người nổi tiếng cũng đều hiểu, việc làm đúng hay sai của họ đều có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.

 NSƯT Tố Nga hiến máu nhân đạo. Ảnh: Nguyễn Hòa

Lan tỏa hành động đẹp
Chứng kiến Bảo Thanh, Đông Hùng, Xuân Bắc, Tự Long bất chấp cái rét căm căm chưa đến 10oC của Hà Nội nhưng vẫn có mặt từ sáng sớm để tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ, dịp những ngày cuối tháng 12/2019 mới thấy nghệ sĩ không chỉ biết hát, biết diễn mà còn biết vì cộng đồng. Ca sĩ Đông Hùng đảm nhiệm vai trò ca hát khuấy động chương trình nhưng cũng không quên xung phong hiến máu. “Tôi nghĩ rằng trong cuộc đời này không phải mình đạt được những gì mà quan trọng mình truyền được những gì, giúp đời được việc nào đó. Nếu nghệ sĩ, ca sĩ chỉ chăm chăm đi hát và đi làm để kiếm tiền không thôi thì cuộc đời thật hoài phí” - Đông Hùng chia sẻ. Ca sĩ đến từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2012 mong muốn anh sẽ góp một phần nhỏ bé lan truyền nhận thức và hiểu biết về hiến máu đến cộng đồng.
Có nguyên tắc phát ngôn: Nếu điều bạn nói ra không hay hơn điều bạn không nói ra thì không nên nói ra. Là nghệ sĩ càng cần phải nhớ nguyên tắc này hơn bất kỳ ai.
Nhà văn Đỗ Phấn
Cùng với Đông Hùng, còn có Bảo Thanh, Xuân Bắc, Tự Long… những gương mặt quen thuộc thường xuyên tham gia hiến máu cứu người. Bảo Thanh cho biết: “Trước đây, tôi khá e dè với việc đi hiến máu, vì nghĩ tự dưng hao hụt lượng máu sẽ làm cơ thể mệt, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ, thì những e dè đó qua đi. Vì sáng hiến máu, chiều tôi vẫn đi tập, đi diễn. Hơn nữa, khi đến với chương trình, thấy các bạn sinh viên túm quanh chụp hình, hỏi han, tôi hiểu rằng trách nhiệm của mình không chỉ ở việc hiến được bao nhiêu máu mà lan tỏa, kêu gọi được bao nhiêu người cùng chung tay với những hành động thiện nguyện này”.
Trước, trong và sau mỗi chương trình, các nghệ sĩ đều đưa lên các trang thông tin cá nhân, không phải để PR cho hình ảnh của mình mà họ hiểu, với số lượng hàng triệu người theo dõi, đó sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để nghệ sĩ kêu gọi cộng đồng. Không chỉ tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ, công việc làm từ thiện, nói lên những lời hay ý đẹp đã là nét đẹp truyền thống trong tính cách con người Việt Nam. Từ trước tới nay không thiếu các lớp văn nghệ sĩ qua từng thời đã và đang nối tiếp nhau trao đi trái tim thiện nguyện như một lời tri ân với cuộc đời. Thế nhưng, cũng không thiếu những người vì hàm hồ nên đã sẩy miệng, để lại hậu quả khôn lường cho cá nhân họ và trong đời sống.
Nghệ sĩ – người điều khiển vô hình
Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân là những cái tên bị cơ quan chức năng xử phạt vì đăng thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 mới đây. Vụ việc đã gần như khép lại với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bên cạnh đó, bản thân các nghệ sĩ cũng đã nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến công chúng. Tuy nhiên, câu chuyện về trách nhiệm của người nổi tiếng trước những phát ngôn, hành động trên mạng xã hội vẫn còn nhiều điều đáng nói.
Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng từng gây bão mạng khi tuyên bố trên fanpage và trang Facebook cá nhân lời treo thưởng 20 triệu đồng cho ai tát vào mặt người đàn ông trong clip bạo hành con mình. Theo thông tin Công an tỉnh Tiền Giang, sau dòng trạng thái trên, vào ngày 18/10/2019, đã có khoảng 100 người tìm đến nhà trọ đánh người đàn ông này. Hay với dòng chia sẻ của diva Mỹ Linh: “Cuộc sống dù thế nào cũng cần có hoa thơm, áo đẹp, nước hoa sang chảnh, dân phải nghe nhạc giao hưởng, xem balê… nên xây nhà hát nhạc vũ kịch ở Thủ Thiêm là hợp lý”, cũng từng ảnh hưởng rất lớn đến dư luận.
Những ý tưởng, thái độ mang tính bột phát của Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng hay Ngô Thanh Vân đã không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của họ với công chúng, mà còn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng cộng đồng. PGS.TS Trịnh Hòa Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam), cho rằng: “Với những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến công chúng, đều có một bộ phận công chúng, trong đó cả giới trẻ, noi theo, bắt chước, hành xử tương tự hành vi của họ. Tức là khi họ phát ra bất cứ thông tin, dòng trạng thái nào... trên mạng xã hội nào đều có ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng, trong đó có những người trẻ”.
Nghệ sĩ đóng vai trò như “người điều khiển vô hình”, người định hướng, người gợi ý cho công chúng, đặc biệt là cho người hâm mộ. Bởi vậy, mỗi lời nói việc làm, không chỉ chú tâm đến những điều tốt đẹp mà còn nên chú ý trong các phát ngôn của mình về mọi vấn đề. Việc nghệ sĩ có trách nhiệm với việc làm, lời nói của mình cũng là cách họ xây dựng hình ảnh trước công chúng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần