Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vui, buồn lễ hội

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ sang Giêng, người Việt lại nô nức kéo nhau trẩy hội. Ấy vậy mà, cứ mỗi mùa hội về, buồn vui lại đan xen lẫn lộn. Vui vì bản sắc văn hóa Việt Nam bền vững, dù lịch sử có thăng trầm.

Không những thế, hội còn là nơi gìn giữ cội nguồn, vinh danh anh hùng liệt sĩ có công với nước, là nơi gặp gỡ vui chơi. Song vui đấy nhưng cũng buồn bởi khi hội trở lại, bên cạnh những cái được, phần mất cũng nhiều.

Đầu tiên là lãng phí thời gian. Nước ta có khoảng 7.000 lễ hội. Cứ cho mỗi hội kéo dài 3 ngày, mỗi hội có 1.000 người dự, đã mất đứt 2,1 triệu ngày công. Nhưng đâu phải chỉ thế, hội chùa Hương chỉ trong ngày đầu tiên đã có 10.000 người dự và kéo dài trên 100 ngày, hội đền Bà Chúa Kho mỗi ngày dăm bảy ngàn người mà hội đến tháng 3 chưa hết, hội đền Trần (Thái Bình) trong đêm mở hội đã có 10.000 người cướp ấn. Điều đáng buồn nhất là, những tệ nạn ngày càng phát sinh, làm xấu cả hội và những người tham gia hội trong mắt du khách trong và ngoài nước. Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ nay đến năm 2025 thu về 35 tỷ đô la, tạo thêm 1.000.0000 việc làm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chắc chắn lễ hội sẽ phải được đặt ở vị trí quan trọng. Nhưng vấn đề là, trong lễ hội hiện đang tràn ngập những cái xấu, ai người muốn xem, chưa nói xem rồi còn trở lại, còn tham gia, còn trút đồng tiền cuối cùng vào đó. Ngay khi bước chân đến hội, khách gặp ngay cảnh ăn xin, ăn mày thật giả lẫn lộn đeo bám. Hở ra là bị trộm cắp, móc túi, kể cả cướp. Bị chặt chém khi gửi xe, đi xe. Bị ép giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi ăn uồng. Bị nói thách, mua phải hàng giả tìm đồ lưu niệm làm quà, cũng khó... Chẳng cứ gì khách nước ngoài, ngay với khách người Việt ở địa phương, khách đã quen với hội hè cũng là nạn nhân. Càng gần đây, tệ nạn càng bung nở trong đám hội. Tệ đốt vàng mã cũng không kém. Người ta đã chứng kiến nhiều mâm lễ hàng triệu, hàng chục triệu đồng. Năm ngoái, dư luận phải kêu lên khi người ta đốt 50 tỷ đồng tiền vàng mã, năm nay chắc còn nhiều hơn... Nhưng kể mãi mà không tìm ta nguyên nhân để xử lý, ngăn chặn thì kể thực trạng cũng bằng không! Cần tìm ra nguyên nhân, quy kết trách nhiệm cho người phải chịu trách nhiệm từ đó tìm cách xử lý để lễ hội lành mạnh hơn.

Theo tôi, trước hết là ý thức của người dân. Ở nước ta, cái gì cũng có thể trở thành phong trào. Từ cây trồng, vật nuôi đến mùa vụ. Thấy bên cạnh làm thế nào cũng ùa theo, vì thế mới có chuyện chặt cao su, nuôi đỉa, trồng khoai lang tím, lột móng trâu bò, đào rễ hồi, tuốt lá điều đem bán theo lời dụ dỗ của thương lái. Đến hội hè cũng vậy. Có hẳn những người hoặc gia đình sống cầm cự để chờ lễ hội “làm ăn”. Thậm chí, có những người chỉ trông vào hội để sống. Nguyên nhân của tình trạng đó là dân trí thấp, ít thông tin, làm theo kinh nghiệm, "con gà tức nhau tiếng gáy". Vì vậy, cần triệt tận gốc tư tưởng này, cung cấp nhiều thông tin cho người dân, rằng hội hè không phải là nơi kiếm chác, làm ăn, lợi dụng mà là phong tục, truyền thống mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Thứ hai là, các cán bộ có trách nhiệm ở địa phương. Nhiều địa phương lấy cớ khuyếch trương du lịch, đua nhau tổ chức hội chợ, triển lãm để câu khách, các huyện xã tìm mọi cách khui ra những tàn tích, hủ tục cũ để đưa vào lễ hội hoặc tổ chức hội mới. Mỗi lễ hội là một dịp làm ăn. Không biết bao nhiêu chuyện tiêu cực xung quanh chuyện xin phép, tổ chức, chia chác sau lễ hội. Không thể đồng ý với nhà nghiên cứu dân gian nọ khi ông cho rằng lễ hội là của dân, dân sẽ tự biết tổ chức, Nhà nước không nên can thiệp.

Nhân dân tốt thật nhưng hay cực đoan. Giữa thời kỳ này, vẫn còn những hội nhuốm màu sắc mê tín, bạo lực như chém lợn, chọi trâu, treo trâu hoặc đâm trâu đầy máu me rùng rợn mà vẫn bảo đó là truyền thống, mỹ tục cần gìn giữ thì nên xem lại. Nếu như vậy, phải giữ gìn tục ăn trầu, nhuộm răng, áo mớ bảy mớ ba của đồng bào Kinh; tục cà răng, căng tai, cởi trần đóng khố ở Tây Ngưyên, vì đó đều là truyền thống cha ông để lại. Gần đây, một tin vui, gần 60 xã có đông đồng bào dân tộc Kơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Ngãi), nơi rất thiếu trâu bò sau nhiều năm tích cực vận động đã bỏ tục đâm trâu trong lễ hội, một phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời. Từ đó nói rằng, nếu cán bộ Nhà nước và các đoàn thể không hữu khuynh, bỏ mặc dân thì những hủ tục nhất định sẽ xóa được.

Nhân đây, xin nói rằng lễ hội là một mảng hiện thực đời sống xã hội. Muốn lễ hội hòa ái, thân thiện, trước hết phải làm cho xã hội hòa ái, thân thiện. Trong khi ngoài đời còn tranh cướp, tham nhũng, chém giết nhau thì làm sao có thể hòa ái, thân thiện được trong một mảnh nhỏ, một bộ phận của nó mà không đẻ ra những lễ hội đua ngựa, chọi trâu, đâm trâu, chém lợn hoặc tục cướp roi tre, cướp ấn… cho được.