Vun đắp giá trị các thánh đường nghệ thuật

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sở hữu những rạp hát, sân khấu được coi là thánh đường của nghệ thuật như: Nhà hát Lớn, Nhà hát Múa rối Thăng Long, rạp Công Nhân… Trong năm qua, nhờ việc mạnh dạn đầu tư, tìm tòi, sáng tạo, sân khấu của các nhà hát tại Thủ đô đã có nhiều đổi mới, thu hút đông đảo khán giả tìm đến.

Xếp hàng xem kịch
Tháng 11/2019, trong cơn mưa tầm tã của những ngày đầu Đông, khán giả Thủ đô tìm đến với sân khấu của rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền) để theo dõi vở diễn “Hà thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Đã từ lâu, người dân Thủ đô mới thấy cảnh đàn ông, đàn bà, phụ nữ, trẻ em trùm áo mưa tất tả tìm chỗ gửi xe, đi bộ đến nhà hát để xem kịch. Cũng lâu rồi, khán giả mới có cảm xúc trọn vẹn khi xem một vở kịch.
Tối hôm đó, rạp Công Nhân không còn một chỗ trống. Mỗi câu thoại, lời ca của nghệ sĩ đều có những tràng vỗ tay tán dương của khán giả. Và cũng có lớp diễn, người xem rưng rưng nước mắt khi thấy Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết tại Võ Miếu. Trong các cảnh diễn, tiếng gõ phách của ca trù mộc mạc như nỗi niềm của các diễn viên muốn quyện vào từng lời của các ca nương.
 Biểu diễn âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Với sự chuyển động tinh tế, hợp lý của sân khấu đã đưa đến cho khán giả những bối cảnh được thay đổi liên tục, vừa đẹp mắt vừa tạo hiệu ứng cao. Theo NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: “Sự thay đổi về hình thức sân khấu đã kéo được khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ đến với những vở diễn về đề tài lịch sử”.
Bên cạnh việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào trình diễn sân khấu, thời gian gần đây, nhiều tác phẩm sân khấu thử nghiệm liên tiếp ra đời đã mang đến một hơi thở mới cho các vở diễn tại nhà hát Thủ đô. Vừa qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long trình làng vở “Mơ rồng”. Vở diễn phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Đó là việc cải tiến thiết kế và tạo hình con rối để có thể đáp ứng được cả việc điều khiển ở sân khấu rối nước lẫn sân khấu rối cạn. Đồng thời, các nghệ sĩ vốn chỉ quen đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối nước truyền thống, đã thành những diễn viên có kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại trên sân khấu. Tạo nên một tác phẩm rối nước mang màu sắc đương đại.
Từ những sáng tạo trên, các nhà hát tại Thủ đô đang ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Nhìn vào dòng người ngày ngày xếp hàng mua vé tại rạp 57B Đinh Tiên Hoàng (Nhà hát Múa rối Thăng Long) bất kể trời nắng hay mưa, từng đoàn xe du lịch đưa đón khách tới xem khiến người dân Hà Nội ai cũng phấn khởi. Thủ đô đã có địa điểm văn hóa luôn sáng đèn 365 ngày, không ngày nghỉ với tần suất 5/6 buổi ngày, doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm.
Bắt kịp trào lưu quốc tế
Sân khấu Thủ đô vẫn luôn là trung tâm của toàn quốc, là tấm gương soi chiếu cho sân khấu cả nước. NSƯT Đăng Tiến chia sẻ: “Hãy tưởng tượng xem ngày Đông giá lạnh chúng ta áo đơn áo kép, găng tay giầy ấm còn xuýt xoa vì lạnh mà những nghệ sĩ múa rối nước vẫn phải lội xuống nước, ngâm mình trong giá buốt 9 – 10oC. Nếu không có lòng đam mê, sự dấn thân thì mấy ai trụ vững.
Bên cạnh việc giữ gìn những vở rối cổ như “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, “Bay lên từ mặt nước” hay các vở rối cạn “Trái tim người mẹ”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Công chúa tóc mây”... sân khấu múa rối đã có những tiết mục bắt kịp được trào lưu nghệ thuật quốc tế như rối dây “Vũ điệu đường phố”, “Múa hip hop”, “Múa Flamengo”… Tất cả đã được khẳng định qua các giải vàng, bạc trong các Liên hoan múa rối quốc tế, liên hoan sân khấu thử nghiệm.
Việc các vở diễn được đầu tư, đạt giải cao trong các cuộc thi trong nước, quốc tế đã đem lại thêm nguồn thu cho các diễn viên, nhà hát. Theo NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: “Để thu hút nhiều tài năng trẻ theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà nước cần xây dựng chiến lược lâu dài để các nghệ sĩ có thể toàn tâm, toàn ý biểu diễn phục vụ khán giả.
Trước mắt, cần có chính sách đãi ngộ thích hợp về lương, phụ cấp thanh sắc với nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên… để thu hút lớp diễn viên trẻ cũng như học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống; đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất, con người… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề đầu ra cho những người theo học sân khấu truyền thống”.

"Việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm, “thanh xuân hóa” sân khấu là việc làm hết sức cần thiết, để nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới." - NSND Trần Minh Ngọc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần