KTĐT - Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản trong khu vực vùng đệm thành nhà Hồ nhưng thời gian qua, một sô doanh nghiệp vẫn cố tình khai thác đá và chính quyền địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý.
Thành nhà Hồ nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 50 km về hướng Tây. Thành được xây dựng vào năm 1397 từ vật liệu là những khối đá xanh lớn xếp chồng lên nhau, tọa lạc giữa vùng đồng bằng bao quanh là những ngọn nút đá sừng sững, nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Thành nhà Hồ nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 50 km về hướng Tây. Thành được xây dựng vào năm 1397 từ vật liệu là những khối đá xanh lớn xếp chồng lên nhau, tọa lạc giữa vùng đồng bằng bao quanh là những ngọn nút đá sừng sững, nằm trên địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo. Bốn cổng thành và toàn bộ tường thành được xây dựng bằng những phiến đá xanh vuông vắn tạo nên sự uy nghi vững chãi.
Theo Tiến sỹ Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban quản lý di tích thành nhà Hồ cho biết, ngày 29/9/2009, Hồ sơ khoa học di sản văn hóa thành nhà Hồ đã được gửi đến Trung tâm Di sản Thế giới. Thành nhà Hồ là biểu tượng vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ.
Trong khi Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực để đưa thành nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận thì trong thời gian qua một số doanh nghiệp khai thác đá đã “phớt lờ” quy định của Nhà nước tiếp tục khai thác đá trong khu vực vùng đệm thành nhà Hồ.
Máy móc vẫn hoạt động bình thường
Trước đó, ngày 27/8/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra các Quyết 3045, 3046 và 3047/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty CP Xây dựng Minh Quang (xã Vĩnh Quang), HTX Đại Phát (xã Vĩnh Ninh) và HTX Quyết Thắng (xã Vĩnh Yên).
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, các Sở Tài nguyên & Môi trường, Công thương và UBND huyện Vĩnh Lộc đã thành lập đoàn công tác liên ngành để giải quyết vụ việc.
Ngày 22/9/2010, đoàn đã lập biên bản, thu hồi giấy phép, yêu cầu cả ba đơn vị trên chấm dứt hoạt động, di dời toàn bộ máy móc thiết bị ra khỏi khu vực trước ngày 25/9/2010 và giao cho UBND huyện Vĩnh Lộc và các xã giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị trên.
Tuy nhiên đã gần 5 tháng trôi qua kể từ ngày UBND tỉnh ra Quyết định, các cơ sở khai thác khoáng sản trên vẫn ngang nhiên khai thác và chế biến đá trong khu vực vùng đệm đã bị nghiêm cấm của thành nhà Hồ.
Các đơn vị vẫn "phớt lờ" quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa
Theo ghi nhận của PV, tại dãy núi đá An Tôn, thuộc địa bàn thôn Yên, thôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, máy xúc, máy nghiền đá vẫn hoạt động, người của các cơ sở vẫn túc trực sẵn sàng khai thác đá bất cứ lúc nào. Không chỉ tại dãy núi An Tôn của xã Vình Yên mà ở phía bên kia, là dãy núi thuộc địa bàn các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Minh đều nằm trong vùng đệm khu di tích cũng đang hoạt động khai thác.
Một số người dân sống quanh các khu vực núi đá thuộc vùng đệm thành nhà Hồ cho biết, cứ đà này thì không bao lâu nữa những núi đá nơi đây sẽ bị phá nát. Trao đổi với Dân trí, ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc phân trần: “Chúng tôi đã có Công văn chỉ đạo các xã cho dừng rồi. Các đơn vị chỉ thu dọn nốt phần đá đã nổ mìn trước đó thôi. Huyện cũng đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra thực tế rồi”.
Nhiều núi đá đã gần biến mất
Tuy nhiên khi phóng viên đưa những hình ảnh ghi nhận tại hiện trường nơi các cơ sở khai thác đá vẫn hoạt động thì ông Tuấn tỏ ra ngạc nhiên: “Chúng tôi sẽ tiếp thu, vì lý do gì đó họ còn khai thác thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Trước đây trong quá trình kiểm tra cũng đã có yêu cầu các đơn vị cam kết dừng ngay rồi. Nhiều khi địa phương cũng không thể 24/24h kiểm tra được”.
Ông Tuấn thừa nhận “Tôi không phủ nhận là không có hiện tượng trên. Trong thời gian qua mặc dù đã có chỉ đạo gắt gao nhưng thực hiện chua triệt để. Dù sao đi nữa thì tôi vẫn là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên”.