Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vững tin bước tiếp

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, tại một số địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kỳ thi lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và phụ huynh học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại TP Hồ Chí Minh năm học 2024 - 2025 có hơn 98.000 thí sinh tham gia dự thi tại 158 điểm thi với 4.513 phòng thi. Kỳ thi lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội có trên 105.000 thí sinh tham gia dự thi tại hơn 201 điểm thi và hơn 4.500 phòng thi.

Bước chân khỏi phòng thi, có những nụ cười hạnh phúc vì đã hoàn thành xuất sắc tất cả các bài thi; có những tiếc nuối vì chưa làm bài tốt như mong muốn và cũng có không ít thí sinh bật khóc ngay tại điểm thi bởi đề thi quá khó, bởi lo lắng khó trúng tuyển trường công lập và không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ…

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tốc độ mở trường công lập đi sau tốc độ tăng trưởng dân số. Mỗi năm, số học sinh tăng mạnh trong khi số trường công được xây mới quá ít dẫn đến tình trạng thiếu lớp, thiếu trường. Điều này vô hình chung khiến kỳ thi vào lớp 10 THPT thực sự trở thành cuộc đua đầy căng thẳng và áp lực với học sinh.

Tại kỳ thi lớp 10 THPT năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển 77.355 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập (chiếm tỷ lệ 78,3%); còn tại Hà Nội, với hơn 105.000 thí sinh dự thi, tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên khoảng 61%. Câu hỏi đặt ra là, vậy số học sinh không đỗ công lập sẽ đi đâu, về đâu? Thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng của Chính phủ, các địa phương có nhiều loại hình trường phù hợp với điều kiện, trình độ, nhu cầu của học sinh như trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có dạy văn hóa cấp THPT (mô hình 9+).

Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, có hơn 16.000 thí sinh không tham dự kỳ thi lớp 10 vì những nguyên nhân như đi du học, học trường tư thục, trường nghề… Còn tại Hà Nội, thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu cho 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 46 trường nghề; bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đều có chỗ học.

Đại đa số phụ huynh hiện nay, với vốn tri thức, sự hiểu biết và thấu hiểu con cái đã luôn tìm hiểu để chủ động tính toán phương án tốt nhất. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, có nhiều con đường, lựa chọn cho con mà không nhất thiết phải học trường công lập. Đã từng có nhiều sinh viên trường nghề lương tháng vài chục triệu đồng; được nhiều đơn vị tuyển dụng săn đón khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cũng có những học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt giải quốc tế trong các cuộc thi tay nghề uy tín và không ít học viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, TP. Đó là những minh chứng sinh động khẳng định, sự thành công không đến từ việc học trường công hay trường nào mà đến từ sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi học sinh.

Nói vậy để thấy, kỳ thi lớp 10 THPT công lập là một kỳ thi và đã là kỳ thi thì sẽ có người đỗ, người trượt. Nếu đỗ là điều rất mừng, còn nếu chưa đạt thì bố mẹ và các con cần mau chóng vượt qua và tìm môi trường phù hợp để vững tin bước tiếp.