Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt “cơn gió ngược”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, khả năng kinh tế nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% gặp phải thách thức lớn.

Tuy vậy, Chính phủ không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì tăng trưởng cao đồng nghĩa với giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập của người lao động, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển đất nước; Vì việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng sẽ tạo tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giảm nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo tâm lý và dư luận xã hội không tốt.

Trong năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” có tác động mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô...

Song, sau từng tháng, tăng trưởng của kinh tế trong nước ghi nhận tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước và so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Điểm sáng quan trọng nữa là giải ngân đầu tư công sau 9 tháng 2023 đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ.

Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm. Một điểm nổi bật trong năm nay phải kể đến là những thành công trong các hoạt động đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Bộ KH&ĐT đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay, và cho rằng tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu; tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho DN, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Chính phủ đặc biệt lưu ý một số nội dung như: Bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; ưu tiên thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa.

Ngược lại thời gian trước, GDP quý III/2021 âm tới hơn 6%, năm 2021 chỉ 2,58% nhưng bằng ý chí quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tăng trưởng của quý III/2022 tăng tốc mạnh mẽ, kết quả cuối cùng là 8,02%. Tất cả đều vỡ òa trong cảm xúc mừng vui. Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong một thế giới bất ổn. Không chỉ tăng trưởng cao, mà lạm phát của Việt Nam còn được duy trì ở mức thấp.

Chúng ta có cơ sở để tin rằng, với tinh thần quyết liệt, khơi dậy ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt ở từng cấp, từng ngành, sự nỗ lực vượt khó của người dân và cộng đồng DN nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn… con thuyền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ vượt qua các cơn gió ngược, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025.