Theo các chuyên gia kinh tế, dự toán thu ngân sách vẫn được đánh giá là rất khó khăn, tuy vậy, các bộ, ngành đang nỗ lực “siết” chi ngân sách để hoàn thành chỉ tiêu.
Thu từ khu vực DNNN giảm 1,8%
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, lũy kế thu NSNN 10 tháng đạt 821.000 tỷ đồng, bằng 80,9% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa vẫn tăng thấp, chỉ đạt 663.000 tỷ đồng, bằng 84,5% dự toán năm, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2015.
Một số khoản thu quan trọng đạt tiến độ thấp như thu phí, lệ phí đạt 75,5% dự toán năm; thu khác ngân sách đạt 69,1% dự toán năm. Đặc biệt, thu từ khu vực DNNN vẫn chưa được cải thiện. Ước đến hết tháng 10 mới đạt 68,8% dự toán năm, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành khai thác, chế biến dầu, khí; thủy điện; than... gặp khó khăn, số thu nộp ngân sách giảm; số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp.
Số thu từ dầu thô cũng giảm gần một nửa. Tính đến tháng 10 ước đạt 2,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 10 tháng ước đạt 32,46 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán năm, giảm 42,4% so cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán ước đạt 12,67 triệu tấn, bằng 90,3% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 10 tháng khoảng 42,7 USD/thùng, giảm 17,3 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Trong khi số thu tăng thấp so với cùng kỳ thì tổng chi NSNN lại tăng với tỷ lệ cao hơn. Lũy kế chi 10 tháng đạt 980,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các khoản chi thường xuyên cho phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ước 10 tháng 159,5 nghìn tỷ đồng, bằng xấp xỉ 62,8% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
Theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, vấn đề bất cập trong thu NSNN là cơ cấu thu chưa hợp lý. Nguồn thu vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác tài nguyên và hoạt động xuất nhập khẩu - những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế. Chi ngân sách vẫn ở mức cao, trong khi thu khó khăn hơn. Các khoản chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Kỷ luật tài chính cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao.
Thảo luận về tình hình thu NSNN, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội lý giải nguyên nhân do các khoản thu nội địa đều thấp, hụt thu từ dầu khí do giá dầu thô được tính toán ở mức 60 USD/thùng khi lập dự toán ngân sách và thu từ khu vực DNNN do sức tăng trưởng chậm... Vì thế, cần có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi người dân được bảo đảm khi giao dịch có hóa đơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt trong việc khai thác nguồn tài nguyên để khai đúng, đủ; đồng thời xử lý mạnh tay khi giao dịch mà không cấp hóa đơn... Như vậy, nguồn thu NSNN chắc chắn sẽ tăng lên.
Giảm chi cụ thể ở đâu?
Theo các chuyên gia, báo cáo của Chính phủ mới đưa ra giải pháp giảm chi nhưng lại chưa đề cập cụ thể cắt giảm chi thường xuyên ở hạng mục nào, lĩnh vực nào để cử tri có thể kiểm soát được. Các đại biểu đề nghị trong giải pháp của Chính phủ phải nhấn mạnh và làm rõ việc hạn chế đi vay để cho ngân sách chi tiêu, đồng thời cần có những giải pháp cụ thể để tăng cường truy thu thuế và các nguồn thu cho ngân sách nhằm cải thiện tình trạng mất cân đối.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, Việt Nam cần cơ cấu lại chi tiêu công, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Với chi thường xuyên, vấn đề Chính phủ cần xem xét là tỷ lệ tiền lương cho công chức đang chiếm rất lớn khiến chi thường xuyên khó giảm. Với chi đầu tư, dù đây là khoản chi cần thiết để phát triển nhưng điều cần xem xét là số tiền đầu tư có thực sự hiệu quả và đảm bảo những ai thực hiện đầu tư phải hết sức chú trọng đến hiệu quả dự án.
Năm 2016, dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254.000 tỷ đồng (4,95% GDP). Trong bối cảnh giá dầu vẫn được dự báo giảm sâu, nhiều loại thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm theo các cam kết hội nhập... thì việc hoàn thành dự toán thu ngân sách vẫn được đánh giá là rất khó khăn.
“Điểm sáng” lớn nhất trong thời gian qua là các chính sách, nỗ lực tạo điều kiện cho DN đã, đang và sẽ phát huy tác dụng. Nhiều giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ cộng đồng DN vừa qua được coi là nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả. Ngoài ra, các giải pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách như cải cách hành chính, tăng thanh kiểm tra thuế… vẫn tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện mạnh mẽ.
Trong dài hạn, giải pháp kêu gọi sự chia sẻ giữa các địa phương cũng được đề cập đến. Theo dự toán thu chi NSNN năm 2017, tỷ lệ thu ngân sách giữ lại cho một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng sẽ giảm. Đơn cử, Hà Nội giảm từ mức 42% như hiện nay xuống 28%.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách của riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng số thu cả nước. Nếu tính chung cả 16 địa phương trọng điểm thu thì số thu chiếm tới 80% tổng số thu ngân sách cả nước. Trong khi đó, có những địa phương như Bắc Kạn, thu ngân sách cả năm chưa được 600 tỷ đồng, chưa bằng bình quân số thu một ngày của TP Hồ Chí Minh. “Không thể có được sự công bằng tuyệt đối, nhưng chúng ta hướng tới sự công bằng tương đối, chia sẻ với nhau, hỗ trợ nhau, trong điều kiện ngân sách T.Ư thời gian vừa qua và thời gian tới rất khó khăn, giảm thu lớn, phải cố gắng rất nhiều.