Vượt khó nhờ Quỹ Khuyến nông

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nhờ vốn của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, hộ anh Đặng Văn Chung, ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đã vượt khó khăn, đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại hiệu quả.

Khởi nghiệp chăn nuôi lợn từ năm 2015, vừa xây dựng xong hệ thống chuồng trại thì anh Chung cạn sạch tiền. May mắn, anh được Quỹ Khuyến nông TP cho vay 95 triệu đồng để nhập 16 con lợn hậu bị. Năm 2017 trả hết gốc và lãi, anh vay tiếp 300 triệu đồng để mở rộng quy mô lên 60 lợn nái. “Nếu như năm vừa rồi không có Quỹ Khuyến nông tôi sẽ không biết xoay xở thế nào vì thực sự cạn vốn trong khi vay ngân hàng lại rất khó khăn. Nhờ có tiền tái đầu tư nên tôi duy trì được đàn lợn và hơn nửa năm nay giá lợn giống ở mức trên 3 triệu đồng/con, lợn thịt trên 80.000 đồng/kg, mỗi tháng trung bình cũng lãi 200 triệu đồng, trả hết nợ và còn nhập thêm 40 con hậu bị nữa” - anh Chung phấn khởi cho hay.
 Anh Chung chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Cũng như cả nhiều hộ nuôi lợn khác trong cả nước, hai năm 2018, 2019 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với anh Chung. Bão giá có lúc lợn hơi xuống 20.000 đồng/kg, rồi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp xảy ra khiến không ít hộ chăn nuôi phải lao đao. Tuy vậy, anh Chung vẫn cố gắng trả cả gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn nên đầu năm 2020, anh được Quỹ Khuyến nông TP cho vay tiếp 400 triệu đồng. Lần này, anh thiết kế chuồng trại khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng quy mô lên 70 lợn nái, 4 lợn đực và 500 lợn thương phẩm.

Chia sẻ bí quyết phòng ngừa dịch bệnh cho trại lợn, anh Chung cho biết, hàng ngày 2 lần anh phun nước vôi vào mặt, vào đuôi của lợn để sát trùng. Hàng tuần anh phun nước vôi cả khu chuồng. Hàng tháng, anh phun thêm thuốc muỗi. Ngay cả cám bã chuyển về trại cũng được sát trùng sạch vỏ bao mới đổ cho lợn ăn, nước uống phải qua 2 lần lọc. Chỉ có 3 người trong nhà được phép vào trại, trước khi vào phải mặc quần áo đã được luộc trước. Khi thương lái đến bắt lợn xem qua màn hình lấy tín hiệu từ các camera gắn bên trong chuồng, còn chủ sẽ tự mình lùa gia súc ra. Nhờ đó, trại lợn của anh Chung luôn an toàn trước mọi nguy cơ dịch bệnh. Chẳng vậy mà, trong khi phần lớn các hộ chăn nuôi lợn trong thôn bỏ trống chuồng vì dịch tả châu Phi hoành hành thì mới đây, anh Chung vừa xây thêm một chuồng nuôi mới rộng tới 600m2 để phát triển đàn lợn nái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần