Sinh ra và lớn lên tại Hà Nam, 4 năm phục vụ trong quân ngũ, do nhiều cơ duyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 1997, anh đã tự liên hệ và xin về công tác tại Trạm Y tế Liên Mạc. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, anh vẫn nhớ như in những thiếu thốn, khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Chính điều này đã khiến rất nhiều BS về đây công tác chỉ được nửa năm, một năm rồi chia tay. Nhưng với anh, không quản ngại vất vả, anh đã cũng tập thể khắc phục, quyết tâm áp dụng những kiến thức từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và học hỏi những kiến thức mới để chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.
Hiện nay, Trạm Y tế có 9 cán bộ, trong đó duy nhất anh là BS, còn lại là các y sĩ đa khoa, y sĩ y học dân tộc, điều dưỡng viên và hộ sinh. Trong suốt gần 16 năm công tác, chưa bao giờ anh để xảy ra sai sót chuyên môn. Chữa bệnh cho mọi người song chính anh lại mắc bệnh nan y - bệnh ung thư. Cuối năm 2012, thấy người mệt mỏi kéo dài, anh đi khám và được Bệnh viện Phổi Hà Nội xác định bị ung thư phổi trái. Tưởng như tin dữ này sẽ khiến anh suy sụp, bởi nhiều người vẫn nói, mắc ung thư là mang án tử hình. “Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, nhiều khi y học cũng bó tay. Tuy nhiên, khi cầm tờ kết quả trên tay, không hiểu sao mình lại bình tĩnh đến vậy. Mình không hề suy sụp và hoang mang mà còn động viên vợ và 2 con nhỏ cùng cố gắng vượt qua”, lời tâm sự của anh khiến chúng tôi thấy nhói lòng.
Sau 7 lần điều trị hóa chất, nhiều lúc sức khỏe suy kiệt, anh đã phải chuyển sang điều trị bằng phác đồ khác. Và, với niềm tin, nghị lực của bản thân, sự tận tình của các thầy thuốc, bệnh tình của anh dần ổn định. Tuy mắc bệnh hiểm nghèo, anh vẫn không quên nhiệm vụ của mình tại Trạm Y tế. Năm 2014, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, nhân viên, tất cả ca bệnh trên địa bàn đều được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời. Trong năm, Trạm cũng đã tổ chức tốt công tác tiêm chủng, đặc biệt là chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. Ngoài ra, trên địa bàn có 95% phụ nữ mang thai được theo dõi, quản lý thai sản, khám thai đúng thời kỳ, chăm sóc sau sinh, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 16,5% năm 2010 xuống còn 12,6% năm 2014.
Y sĩ Phan Thị Ngọc Linh (đang công tác tại Trạm Y tế phường Liên Mạc) tâm sự: “BS Thái là người mà lớp trẻ như tôi luôn trân trọng và học tập. Đối với bệnh nhân, chú luôn hòa nhã, ân cần cũng như tạo điều kiện giúp đỡ nhân viên trong điều kiện có thể. Dù bệnh nặng nhưng chú vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người BS và quản lý”. Trước khi chia tay chúng tôi, BS Thái chia sẻ: “Còn sức khỏe đến đâu, mình sẽ cố gắng hết mình. Mình đã gắn bó với công việc 16 năm rồi, sống để làm việc, và làm việc để sống, các con mình hiện còn quá nhỏ”.
Thời gian tới, Trạm Y tế phường Liên Mạc sẽ được chuyển về địa điểm mới khang trang, sạch đẹp và hiện đại hơn. BS Thái hy vọng, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để toàn thể cán bộ, nhân viên trong Trạm có thể hoàn thành tốt hơn nữa công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế phường Liên Mạc.
|