Khi sinh ra, Phạm Anh Đạo chỉ nặng 1,5kg. Do quá yếu nên anh thường xuyên phải dùng kháng sinh khiến khả năng nghe, nói của anh rất kém. Vì vậy, việc học hành đối với anh vô cùng khó khăn, học đến lớp 6, do không nghe được bài giảng, Đạo ở nhà học làm gốm. Thừa hưởng kinh nghiệm của cha mình (ông Phạm Ngọc Huy, thợ gốm có nhiều khinh nghiệm của làng gốm Bát Tràng), Đạo gắn cả tuổi thơ với đất sét, dáng gốm và những vòng xoay. Chẳng mấy chốc, cậu bé 15 tuổi đã thành thục các công đoạn từ nhào đất, cân đất đến tạo xương, vẽ, canh lò… Năm 17 tuổi, anh xin vào làm công nhân tại Xí nghiệp Sứ Bát Tràng - nơi cha anh làm Giám đốc. Khi mới vào xí nghiệp, mọi người nhìn Đạo bằng con mắt nghi kỵ, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, anh đã chứng tỏ được năng lực, xua tan mối suy nghĩ ấy bằng những sản phẩm mà chỉ thợ bậc cao trong xí nghiệp mới làm được.
Nhưng rồi, với ý chí tự lập thân, lập nghiệp của một người khiếm thính muốn thỏa sức sáng tạo, vươn lên chiến thắng số phận đã thôi thúc anh lập xưởng gốm riêng. Trong khi cả làng Bát Tràng chuyển sang sản xuất công nghiệp, làm gốm bằng máy và khuôn thạch cao, Đạo đã tìm cho mình hướng đi là tập trung nghiên cứu khôi phục phương thức làm gốm cổ bằng tay đã bị lãng quên, nhằm lưu giữa những cách thức làm gốm truyền thống của cha ông để truyền lại nghề cho các thế hệ nghệ nhân lớp sau. Anh bắt đầu bằng việc vuốt những sản phẩm đơn giản như chén, đĩa... Sau khi những sản phẩm này đạt đến độ hoàn mỹ, Đạo thực hiện tiếp những sản phẩm lớn như bình, lọ. Ban đầu khi mới bắt tay vào làm những sản phẩm này, Đạo liên tục gặp thất bại, nhưng với quyết tâm cao, mỗi lần làm hỏng là một lần rút kinh nghiệm, dần dần sản phẩm gốm vuốt, nặn bằng tay của anh đã có hình khối, đường nét và có hồn. Không chỉ kiên trì sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, anh còn mày mò pha chế men, màu và luôn tâm niệm cần phục chế các loại men tạo nên sức sống lâu bền của gốm cổ Bát Tràng như men rạn, lam, chàm, da lươn… Nhờ kiên trì nỗ lực sáng tạo và đúc rút kinh nghiệm hàng ngày, xưởng của anh đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên được nhiều người yêu nghệ thuật gốm biết đến. Hiện, xưởng gốm của anh chủ yếu làm hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và phục chế gốm cổ, gốm giả cổ. Làm gốm bằng tay rất vất vả, phải hơn một tháng mới được một lò, chỉ riêng tiền gas đã tốn vài triệu đồng/lần chưa kể chi phí nguyên liệu, nhân công… Tuy vậy lợi ích kinh tế không cao nên cả làng hiện chỉ duy nhất có Đạo theo gốm vuốt tay. Anh quan niệm, làm gốm xuất phát từ tình yêu, sự đam mê và điều quan trọng là để giữ phương thức truyền thống, truyền lại cho con cháu. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xưởng của Đạo đã làm được một việc mà nhiều thế hệ nghệ nhân Bát Tràng ao ước. Đó là vuốt tay và cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục, mỗi chiếc nặng 5 tạ, cao 1,95m, đường kính gần 1,2m với nước men rạn theo lối giả cổ. Anh đã phải mất 3 tháng mới hoàn thành một sản phẩm và với sản phẩm này, Đạo đã chính thức được công nhận là Nghệ nhân làng nghề trẻ nhất Bát Tràng, ở tuổi 35.
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo. |