Từ Philippines tới Ba Lan
Ngày 17/11, trong nhà thờ Santo Nino bị mất một nửa mái trong siêu bão, một lễ tưởng niệm các nạn nhân của Haiyan đã diễn ra đơn giản nhưng trang trọng. Được so sánh như thảm họa Tsunami năm 2004, cơn bão Haiyan đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho miền Trung Philippines. Theo ước tính sơ bộ, ít nhất 3.681 người đã thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và thiệt hại vật chất chưa thể thống kê được. Trong khi đó, vẫn có khoảng 60% người dân thành phố Tacloban đang thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống. Tình trạng này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng về nhân đạo khi những nỗ lực cứu hộ được cho là vẫn quá chậm để giúp các nạn nhân vùng lũ. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã thừa nhận tình trạng ở Philippines thực sự là một thảm họa nằm ngoài khả năng khắc phục nhanh chóng của con người.
Hậu quả thảm khốc của cơn bão cũng gây một sức ép không nhỏ tới các đại biểu tham gia Hội nghị Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu (COP19) diễn ra tại Ba Lan. Và áp lực này được thế giới kỳ vọng sẽ buộc các đại biểu dự COP19 đạt được bước tiến mới khi thảo luận về Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020. Các con đường an toàn cho tất cả
Nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, trong hai ngày cuối tuần, nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông. Với chủ đề "Hãy làm các con đường an toàn cho tất cả", các nhà tổ chức trên thế giới đã nhấn mạnh đến vai trò trụ cột 2 của Kế hoạch hành động toàn cầu vì cơ sở hạ tầng giao thông an toàn hơn. Hiện, đường giao thông an toàn được đánh giá là một trong 3 yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông.
Ngoài chiến dịch truyền thống "Đốt lên hi vọng" bao gồm đốt nến, bật điện hay đuốc.... diễn ra từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm trong ngày 17/11 được tổ chức tại hầu hết các nước trên thế giới, nhiều quốc gia đã có cách làm rất khác nhau để nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông. Tại TP Pietermaritzburg của Nam Phi, một cuộc diễu hành quy mô lớn với sự tham dự của 18.000 người đã diễn tra trong khi người dân Ukraine lại tổ chức một giải đấu bóng rổ quốc tế để tưởng nhớ vận động viên bóng rổ tài năng Sergei Konenko - người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông.
Rõ ràng, dù cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia đều đã thực hiện những chương trình để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do thiên tai, tai nạn gây ra. Tuy nhiên, để mỗi người dân vượt qua nỗi đau, sự mất mát do thiên tai và tai nạn gây ra, dần ổn định cuộc sống thì cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
Người dân ở tỉnh Iloilo nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Reuters
|
Theo Liên Hợp quốc, mỗi ngày, trên thế giới có gần 4.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bị thương do tai nạn giao thông. Nhiều gia đình không chỉ mất đi người thân mà còn phải đối mặt với gánh nặng tài chính do mất đi lao động chủ lực của gia đình. |