Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt qua rào cản từ nhận thức khi triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 cấp xã

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội, từ ngày 10/11, cả 139 xã thuộc các huyện Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì và Gia Lâm chính thức “chạy” hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân về khai sinh, khai tử.

Qua một tháng triển khai cho thấy, các đơn vị đã cố gắng vượt nhiều khó khăn, song thực tế trước mắt còn không ít thách thức, đòi hỏi nỗ lực cao hơn của chính những “người trong cuộc” và cả các cơ quan, đơn vị liên quan.

Khắc phục nhiều khó khăn về cơ sở vật chất

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, UBND các huyện đều đã quán triệt chủ trương của TP về DVCTT mức độ 3 đến các cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt nhất; xây dựng kế hoạch cụ thể... Đặc biệt, các huyện đã chủ động bố trí máy in, máy quét kết nối với máy tính để ứng dụng tại đơn vị; hạ tầng trung tâm dữ liệu và hệ thống mạng đến nay đã khắc phục những trục trặc ban đầu, đảm bảo thông suốt, ổn định.
 Cán bộ bộ phận Một cửa xã Thanh Liệt hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
UBND huyện Gia Lâm ngay đầu tháng 11/2016, đã xây dựng một kế hoạch bài bản, trong đó 2 tuần đầu, yêu cầu 22 xã, thị trấn báo cáo kết quả hàng ngày, đến cuối tuần thì giao ban để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Xác định quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, huyện đang triển khai phát tờ rơi vào cả 70 trường học từ cấp mầm non đến THCS trên địa bàn. Phòng Tư pháp cũng yêu cầu Đài Phát thanh huyện và xã mở chuyên mục “Cải cách TTHC và DVCTT mức độ 3” dưới dạng hỏi - đáp, phát tối thiểu 2 buổi/tuần và liên tiếp trong 2 tháng đầu. Với cách làm nghiêm túc, sáng tạo, Gia Lâm đạt kết quả cao nhất trong 6 huyện, riêng 2 tuần đầu đã đạt 61% hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử được thực hiện trực tuyến.

Huyện Hoài Đức cũng đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền như phát trên loa huyện, xã 2 lần/ngày, trên pano, ap-phích, tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, tổ dân phố… Phó trưởng Phòng VHTT Nguyễn Viết Thanh cho biết: Giống như các địa bàn khác, mỗi xã/thị trấn tại Hoài Đức vừa được TP giao 39,6 triệu đồng để mua sắm 2 bộ máy tính tốc độ cao, 1 máy in, 1 máy scan phục vụ DVCTT mức độ 3, trong đó tháng 12 này huyện sẽ hoàn thành trang bị cho các xã. Hết ngày 7/12, tại bộ phận Một cửa (BPMC) 20 xã, thị trấn trên địa bàn đã tiếp nhận 238 hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử trực tuyến, đạt hơn 40% tổng hồ sơ tiếp nhận.

Tạo thuận lợi cho người dân

Trong khi tại Gia Lâm, Đông Anh… đạt kết quả khả quan, tại một số huyện khác như Thanh Trì, hết ngày 7/12 mới có 132 hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử trực tuyến, chỉ đạt hơn 33% tổng số hồ sơ các xã, thị trấn tiếp nhận trong lĩnh vực này. Khó khăn chủ yếu, theo Phó trưởng Phòng VHTT huyện Vũ Hồng Khanh, hầu hết người dân chưa biết rõ về quy trình sử dụng dịch vụ mà chủ yếu do cán bộ hướng dẫn hoặc làm hộ. Mặc dù, từ khi bắt đầu triển khai, huyện và các xã, thị trấn đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát trên loa, lồng ghép vào các hội nghị, niêm yết tại BPMC và phát tờ rơi đến hộ dân…

Ở xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), trong gần tháng đầu triển khai có 3 trường hợp đăng ký khai sinh thì cả 3 đều không có nhu cầu nộp trực tuyến, mà do cán bộ trực tiếp nhập hồ sơ vào mạng. “Người dân vẫn tin tưởng cán bộ hơn là tin vào máy móc, nên thường muốn nộp hồ sơ trực tiếp. Hơn nữa, nhiều gia đình khi vợ mới sinh đang “ở cữ”, chồng đi làm cả ngày, nhờ ông bà làm khai sinh, mà người già thường không biết gì về CNTT, trong khi lại muốn tự tay viết tờ khai sinh cho cháu” - chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - cán bộ Văn phòng phụ trách Một cửa chia sẻ. Tương tự tại xã Đức Giang (huyện Hoài Đức), dù Đài phát thanh xã tuyên truyền hàng ngày trên loa về lợi ích của DVCTT mức độ 3, tại BPMC bố trí 1 máy tính ra phía ngoài và cử cán bộ vừa giải quyết việc chuyên môn vừa “cầm tay chỉ việc” cho người dân, song nhìn chung họ chưa “mặn mà” với DVCTT.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, UBND huyện Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi về tận địa bàn dân cư và đặc biệt đưa việc giáo dục về DVCTT vào chương trình tin học tại hơn 20 trường THCS trên địa bàn, sau đó mở rộng ra khối THPT. Đại diện UBND huyện Gia Lâm khẳng định, hết tháng 12/2016 mà các xã, thị trấn không đạt yêu cầu TP đề ra thì huyện sẽ “áp” chỉ tiêu cho từng đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cơ sở cũng đề nghị sớm tích hợp, kết nối đồng bộ giữa phần mềm DVCTT của TP và phần mềm của Bộ Tư pháp thì mới đảm bảo thống nhất, thuận lợi cho cán bộ thực hiện; đồng thời, TP và huyện cần quan tâm hỗ trợ cán bộ xã không chỉ về chế độ bồi dưỡng mà cần sớm bổ sung máy móc để làm việc và hướng dẫn công dân. Thực tế tại BPMC xã Thanh Liệt, cả 2 máy tính của cán bộ đều hỏng mấy tháng nay, hiện vẫn đang phải mượn máy tính để làm việc hàng ngày.