Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VW vội vã tìm cách “giải độc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy 1 tuần sau bê bối gian lận về khí phát thải tại Mỹ, “vết dầu" bê bối của tập đoàn Volkswagen (VW) đã lan tới Lục địa già....

Chưa đầy 1 tuần sau bê bối gian lận về khí phát thải tại Mỹ, “vết dầu" bê bối của tập đoàn Volkswagen (VW) đã lan tới Lục địa già khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đức Alexander Dobrindt khẳng định, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới đã dùng “thủ đoạn” tương tự để vượt qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của châu Âu. 
Từ người hùng thành tội đồ

Sau 1 tuần quay cuồng trong tâm bão với hàng loạt các tuyên bố xin lỗi, cam kết khắc phục hậu quả, Giám đốc điều hành (CEO) của VW Martin Winterkorn đã tuyên bố từ chức. Nhận vị trí chèo lái con tàu VW từ năm 2007, CEO Winterkorn đã trải qua một năm đầy cay đắng với những tranh cãi bất tận với người từng được coi là đồng minh thân thiết Ferdinand Piech. Chưa kịp thưởng thức niềm vui chiến thắng sau cuộc chiến nảy lửa, khả năng lãnh đạo của Winterkorn lại phải đối mặt với thách thức từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cơn bão nợ công lan rộng khắp châu Âu.
Từ người hùng, Martin Winterkorn đã trở thành tội đồ của VW.
Từ người hùng, Martin Winterkorn đã trở thành tội đồ của VW.
Với uy tín của người có công rất lớn tại Audi và bộ phận đảm bảo chất lượng kỹ thuật của cả tập đoàn, ông Winterkorn đã từng bước thực hiện được cam kết của mình là đưa VW trở thành hãng ô tô lớn nhất thế giới. Đầu năm 2015, doanh số bán hàng cho thấy, VW đã vượt mặt hai “ông lớn” Toyota và General Motors. Với thành tích này, vị CEO 68 tuổi của VW được coi là người hùng của cả tập đoàn, của thành phố Wolfsburg và cả nước Đức.
Là CEO của một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới, uy tín và quyền lực của ông Winterkorn đã vượt ra khỏi trụ sở chính của tập đoàn ở Wolfsburg. Năm ngoái, tạp chí Forbes đã xếp ông ở vị trí thứ 58 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới, trước cả các nhà lãnh đạo của Mexico và Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm báo hiệu những tai ương sẽ ập xuống VW khi vị CEO này kêu gọi các nhà làm luật châu Âu ngừng gây áp lực lên ngành công nghiệp ô tô bởi tham vọng cắt giảm khí phát thải quá mức.

Mối đe dọa của “Made in Germanni”

Với người Đức, ô tô và môi trường là hai chủ đề được quan tâm nhiều nhất và được ưu tiên đầu tư chiến lược như một phần của bản sắc dân tộc. Vì vậy, người Đức đã rất sốc khi phát hiện ra rằng, trong nhiều năm qua, nhà sản xuất ô tô mạnh nhất của quốc gia đã gian lận trong các cuộc kiểm tra khí phát thải ở cả Mỹ và châu Âu. Một tờ báo Đức cho rằng, VW và cả nước Đức sẽ phải “trả giá đắt cho hành động ngu xuẩn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp xe hơi”.
VW đã trở thành niềm tự hào của nước Đức.
VW đã trở thành niềm tự hào của nước Đức.
Thành lập vào những năm 1930 để lắp ráp KdF-Wagen – dòng xe sau Thế chiến thứ II được đặt tên là Beetle và trở thành sản phẩm chủ lực giúp VW trở thành “ông lớn” trên thị trường xe hơi thế giới. Thành phố Wolfsburg, bang Lower Saxony không chỉ là thủ phủ của VW mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của ngành công nghiệp nước Đức. Vì thế giống như Detroit của Mỹ, bê bối của Volkswagen đã làm rung chuyển toàn bộ Wolfsburg, đẩy thành phố yên bình này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. 
Hiện, có tới hơn một nửa trong số 120.000 cư dân của thành phố làm việc tại nhà máy sản xuất, lắp ráp VW rộng tới 6,5 km2. Các trung tâm mua sắm, nhà hàng và các ngành dịch vụ khác đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương cũng phụ thuộc chủ yếu vào mức thu nhập cao nhất nước Đức của công nhân VW. Việc giá trị của VW mất tới 30% và những thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD để bồi thường và tham gia vào cuộc chiến pháp lý chắc chắn sẽ bào mòn nguồn lực và sự phồn vinh của thành phố Wolfsburg.

Không chỉ người dân Wolfsburg có cảm giác bị phản bội mà các tập đoàn sản xuất ô tô khác của Đức cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bê bối này của VW. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Alexander Dobrindt cho rằng, vụ việc này đã phá hủy niềm tin của người tiêu dùng nên cơ quan chức năng Đức sẽ tiến hành các cuộc kiểm nghiệm ngẫu nhiên với những chiếc xe của các hãng sản xuất ô tô khác. Giá cổ phiếu của hãng BMW cũng giảm tới 10% do nghi ngờ tập đoàn này sử dụng “thủ đoạn” tương tự VW để vượt qua các bài kiểm tra khắt ke về khí phát thải.

Dù tập đoàn đã ban hành một tuyên bố phủ nhận mạnh mẽ những nghi ngờ này nhưng khó có thể xoa dịu được sự giận dữ và nỗi bất an của nhà đầu tư lúc này. Trên thực tế, các sản phẩm dán nhãn "Made in Germany" được coi là thương hiệu đáng tin cậy, chất lượng đi đôi với giá thành nên bê bối của VW có thể làm sụp đổ niềm tin vào nền kinh tế Đức, vốn dựa vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp xe hơi.
Bầu không khí u ám đang bao trùm thành phố Wolfsburg.
Bầu không khí u ám đang bao trùm thành phố Wolfsburg.
Vội vã tìm “thuốc giải”
Khi bê bối gian lận không còn là câu chuyện của riêng VW, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn buộc phải phối hợp với chính quyền để tìm cách giải quyết. Ngoài sa thải CEO Winterkorn như một tội đồ chịu trách nhiệm chính cho vụ việc lùm xùm vừa qua, VW đang tìm cách “giải độc” cho tình hình sức khỏe hiện nay.

Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được khi nhớ lại tình cảnh của Toyota cách đây 5 năm.

Khi đó, gã khổng lồ trong sản xuất xe hơi của Nhật Bản đã vướng phải cáo buộc không đảm bảo an toàn từ cơ quan chức năng Mỹ sau những cuộc điều tra liên quan đến các vụ tai nạn chết người. Toyota đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết hậu quả, từng bước xây dựng lại lòng tin của người tiêu dùng. Sau một thời gian doanh số bán hàng giảm xuống mức thấp nhất, cuối cùng Toyota cũng quay trở lại thị trường sau một thời gian “thập tử nhất sinh”.

Nhà lãnh đạo mới của VW được hy vọng sẽ làm được điều tương tự nhưng không phải ai cũng có thể hoàn thành được nhiệm vụ bất khả thi này. Trong lúc này, phần lớn người dân của thành phố Wolfsburg vẫn mòn mỏi chờ đợi một phép màu xảy ra.