WB: 4 hạn chế thị trường vốn Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huy động vốn tại thị trường Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng đang quá tải, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) tại buổi họp báo chiều 17/12, công bố Báo cáo điểm lại cho rằng, Việt Nam cần phát triển thị trường vốn để huy động tài chính dài hạn.

Việt Nam có thêm 1 năm tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ GDP 6,8% cho cả năm 2019. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự dẻo dai nhờ sức cầu trong nước, chế biến chế tạo, xuất khẩu. Đầu tư của các DN khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng kỳ.
Báo cáo của WB cho hay, mặc dù môi trường đầu tư toàn cầu bất định, bao gồm khả năng căng thẳng thương mại gây xáo trộn dòng vốn đầu tư nhưng 6 năm Việt Nam tăng trưởng gấp đôi xuất khẩu, lạm phát thấp, hội nhập được tăng cường. Riêng 2019 xuất khẩu dự kiến tăng 8% - cao hơn gần 4 lần so với bình quân thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết  gần 3 tỷ USD mỗi tháng.
 Quang cảnh họp báo
Tuy nhiên, nhiều DN đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với trở ngại lớn, năng lực cạnh tranh hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, phân bổ nguồn lực chưa đồng đều, hạn chế sự phát triển, trong đó được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.
Huy động vốn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng đang quá tải. Phát triển thị trường vốn vẫn chưa bắt kịp các nước trong khu vực, xét cả về quy mô tương đối (tỷ lệ so với GDP) lẫn quy mô tuyệt đối và chất lượng thể hiện ở mức độ công khai, hiệu quả. Thứ ba, mạng lưới nhà đầu tư vốn dài hạn còn mỏng. Thứ tư, tính đa dạng của lựa chọn đầu tư còn hạn chế trên thị trường trong một số ngành thí dụ như cơ sở hạ tầng, nhà ở cũng như các sản phẩm phòng ngừa rủi ro (giao dịch phái sinh).
Mặc dù các thị trường vốn ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan, Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 đến 2 lần và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối.
Đây là thời điểm thích hợp phát triển đa dạng các thị trường vốn vì Việt Nam chuẩn bị tốt nghiệp vốn ưu đãi, chuyển sang nguồn vốn vay thương mại. Trong khi huy động vốn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng đang quá tải. “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho DN cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”- ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khuyến nghị.
Báo cáo khuyến nghị năm lĩnh vực mà các nhà lập chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn, bao gồm: hiện đại hoá nền tẳng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo và tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.