Tuy vậy, WB cho rằng Philippines vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á.
Các chuyên gia kinh tế cấp cao của WB cho biết việc điều chỉnh lần này là do nền kinh tế Phillipines tăng trưởng chậm trong quý 1/2014 sau khi bị cơn bão Haiyan tàn phá. Bên cạnh đó, chi tiêu chính phủ nước này giảm trong quý 2/2014 cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong bảy tháng đầu năm 2014 là nguyên nhân khác dẫn tới động thái điều chỉnh trên.
Tuy nhiên, Chính phủ Phillipines cho biết nền kinh tế đang đi đúng hướng, với các dữ liệu gần đây cho thấy nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững giúp đất nước giảm đang kể tình trạng nghèo đói. Khoảng 2,5 triệu người dân nước này đã thoát khỏi cảnh đói nghèo trong năm 2013.
Trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 4/2014, Philippines cũng tạo ra 1,7 triệu việc làm. Tuy nhiên, Philippines vẫn cần phải tập trung cải thiện chất lượng việc làm.
Karl Kendrich Chua, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Philippines, cho biết nước này có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng cao bằng cách đẩy mạnh cải cách và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. WB ước tính Philippines cần phải dành thêm một khoản ngân sách tương đương 5% GDP cho y tế và giáo dục, nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của lao động Philippines.
Chính phủ Philippines đã tăng gấp đôi chi tiêu cho các dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng. Ông Chua cho biết duy trì những nỗ lực này sẽ góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo do các tác động tiêu cực từ hoạt động đầu tư công “èo uột” trong hàng thập niên qua.
Chi tiêu Philippines vào cơ sở hạ tầng và máy móc, thiết bị đã giảm sút từ thập niên 1970 và thấp hơn so với các nước láng giềng. Ngoài ra, chi tiêu của Philippines cho cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục cũng giảm khoảng 30-50%. Theo ông Chua, Philippines cần phải xây dựng hệ thống thuế đơn giản và công bằng hơn, trong đó cần giảm thuế và chi phí hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và người làm công ăn lương.
Kinh tế Philippines đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)
|