Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB muốn tái áp dụng chế độ bản vị vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Financial Times, quan điểm của ông Zoellick phản ánh những lo ngại về hệ thống tỷ giá quốc tế hiện nay - hệ thống mà trong đó Trung Quốc bị cho là can thiệp để giữ tỷ giá Nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực.

KTĐT - Theo Financial Times, quan điểm của ông Zoellick phản ánh những lo ngại về hệ thống tỷ giá quốc tế hiện nay - hệ thống mà trong đó Trung Quốc bị cho là can thiệp để giữ tỷ giá Nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới nên cân nhắc áp dụng lại chế độ bản vị vàng trên cơ sở có điều chỉnh, để định hướng cho tỷ giá giữa các đồng tiền. Đây là nhận định mà Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong một bài bình luận đăng trên tờ Financial Times.

Ông Robert Zoellick, người giữ cương vị Chủ tịch WB từ năm 2007 tới nay, cho rằng, đã đến lúc thế giới cần một hệ thống tỷ giá mới, thay thế cho hệ thống tỷ giá thả nổi mà ông gọi là “Bretton Woods II” hiện nay. “Bretton Woods II” đã được duy trì kể từ khi hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971.

Từng là một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, ông Zoellick, kêu gọi sự ra đời của một hệ thống trong đó “có sự tham gia của đồng USD, Euro, Yên Nhật, Bảng Anh và Nhân dân tệ. Hệ thống này cần được quốc tế hóa và sau đó hướng tới tài khoản vốn mở”.

Ông bổ sung thêm: “Hệ thống mới nên cân nhắc sử dụng vàng như một điểm tham chiếu quốc tế về các kỳ vọng của thị trường đối với lạm hát, giảm phát và giá trị của các đồng tiền trong tương lai”.

Theo Financial Times, quan điểm của ông Zoellick phản ánh những lo ngại về hệ thống tỷ giá quốc tế hiện nay - hệ thống mà trong đó Trung Quốc bị cho là can thiệp để giữ tỷ giá Nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực, góp phần gây ra những mất cân đối trong cán cân vãng lai toàn cầu và sự bóp méo trên thị trường vốn. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ đang gây khó khăn cho Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.

Tuần này, cuộc họp thượng đỉnh của khối 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ diễn ra tại Seoul Hàn Quốc. Giới phân tích dự báo, diễn biến của sự kiện này sẽ phản ánh rõ nét thêm về cuộc xung đột tỷ giá đang diễn ra giữa các nước. Mỹ đang đề xuất các quốc gia đăng ký mục tiêu về cán cân vãng lai, nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Financial Times cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã làm “tăng nhiệt” cuộc xung đột nói trên khi nhận định rằng, mô hình kinh tế của nước Mỹ đang “ngập sâu trong khủng hoảng” và chỉ trích việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm thêm 600 tỷ USD vào thị trường tài chính. “Thật là không nhất quán khi nước Mỹ một mặt buộc tội Trung Quốc thao túng tỷ giá, nhưng mặt khác lại tìm cách đẩy tỷ giá USD xuống thấp giả tạo với sự hỗ trợ của hoạt động in tiền”, ông Schauble nói.

Mặc dù những đề xuất về việc quay lại với chế độ bản vị vàng, trong đó vàng được sử dụng như một “mỏ neo” cho giá trị các đồng tiền, vẫn đôi khi xuất hiện, phần lớn các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế cho rằng, một hệ thống như vậy có thể dẫn tới chính sách tiền tệ thắt chặt thái quá, khiến tăng trưởng kinh tế và tình hình tạo việc làm chịu tác động tiêu cực từ các cú sốc kinh tế.

Hệ thống Bretton Woods được hình thành vào năm 1945 và chịu sự giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quy định tỷ giá cố định nhưng có thể điều chỉnh giữa các đồng tiền và sự ràng buộc giữa tỷ giá với giá trị của vàng. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự dịch chuyển bất lợi của dòng vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác đã khiến hệ thống này sụp đổ.

“Những thay đổi từ năm 1971 tới nay cũng lớn không kém gì những thay đổi diễn ra từ năm 1945 đến năm 1971 - sự thay đổi thúc đẩy thế giới từ Bretton Woods I sang Bretton Woods II… Mặc dù các cuốn sách giáo khoa có thể xem vàng như một dạng tiền cổ, các thị trường giờ đang nhìn nhận vàng như một loại tài sản tiền tệ thay thế cho tiền giấy”, ông Zoellick viết trên Financial Times.