Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu tháng 1/2018 của WB ra ngày 10/1 dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ tăng và đạt mức 3,1% tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017 nhờ đầu tư, công nghiệp chế tạo và thương mại đều hồi phục và do các nền kinh tế xuất khẩu nguyên vật liệu được hưởng lợi từ xu thế tăng giá các loại mặt hàng này.
Tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức 2,2% trong năm 2018 do các ngân hàng trung ương sẽ giảm dần các biện pháp kích cầu sau khủng hoảng và xu thế tăng trưởng đầu tư bị chậm lại. Tăng trưởng tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự báo sẽ đạt 4,5% nhờ tăng trưởng tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là xu thế tăng tốc ngắn hạn. Về lâu dài, tăng trưởng tiềm năng - được tính bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong trường hợp lao động và vốn được sử dụng hoàn toàn - chậm lại sẽ đe dọa tiềm năng cải thiện mức sống và công cuộc giảm nghèo trên thế giới, theo cảnh báo nêu trong báo cáo.
Các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn xa hơn việc đơn thuần sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa vốn chỉ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn. Thay vào đó họ cần xem xét các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng dài hạn. “Nếu thực hiện cải cách nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cải thiện dịch vụ hạ tầng thì ta có thể nâng cao đáng kể tiềm năng phát triển, nhất là tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển” ông Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói.
Với kinh tế Việt Nam, được dự báo tăng trưởng 6,5% từ năm 2018 đến 2020, tức cao hơn mức trung bình của khu vực và hơn gấp đôi trung bình toàn thế giới. Điều này nhờ vào sản xuất nông nghiệp mạnh và ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay vẫn thua kém các nước khác như Campuchia (6,9%), Lào (6,6%), Myanmar (6,7%) và Philippines (6,7%), dự báo của WB.
Báo cáo không điểm riêng kinh tế mỗi nước, nhưng Việt Nam được nhắc đến là một trong những nơi tại châu Á thu hút mạnh FDI, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia, nhờ triển vọng tăng trưởng sáng sủa và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với Trung Quốc và Philippines, tăng trưởng tín dụng thực ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao.