WHO cảnh báo sống chung với dịch Covid-19, Ấn Độ thành vùng dịch chết chóc thứ 5 thế giới

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - WHO cảnh báo thế giới phải học cách sống chung với dịch Covid-19, trong khi đó Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 35.747 ca tử vong, thành vùng dịch có số người chết cao thứ 5 thế giới.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 17.724.949 ca, trong đó có 681.847 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 11.141.345 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  65.479 ca và 5.901.757 ca đang điều trị tích cực.
Trên thế giới, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, với 4.697.934 ca mắc và 156.612 ca tử vong. Dịch bệnh chưa hề cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ, thay vào đó hiện có xu hướng lan rộng ra nhiều bang.
WHO cảnh báo sống chung với dịch Covid-19
Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 31/7 cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vaccine đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với dịch Covid-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.
 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới có thể phái sống chung với dịch Covi-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo trên trong một cuộc họp của ủy ban cấp cao diễn ra 6 tháng sau khi tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp công cộng.
Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh: "Thật đúng đắn khi 6 tháng trước, Ủy ban khẩn cấp ban hành quy định y tế quốc tế (IHR) đề nghị tôi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng do quan ngại của cộng đồng quốc tế, có ít hơn 100 trường hợp nhiễm Covid-19 và không có trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho rằng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, nhiều câu hỏi khoa học đã được giải quyết và còn nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Ủy ban khẩn cấp luôn thận trọng trong các tuyên bố của mình và họ đã đánh giá lại tình trạng khẩn cấp của dịch Covid-19 vào hôm 31/7. Trước đại dịch Covid-19, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng đối với dịch cúm lợn, bại liệt, Zika và Ebola.
Ông Tedros  cho rằng những kết quả nghiên cứu ban đầu về huyết thanh đang vẽ nên một bức tranh nhất quán về việc hầu hết mọi người trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm Covid-19, ngay cả ở các khu vực đã trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng.

Ấn Độ thành vùng dịch chết chóc thứ 5 thế giới
Ấn Độ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 779 người chết vì dịch Covid-19, nâng số ca tử vong lên 35.747, vượt Italy, thành vùng dịch có số người chết cao thứ 5 thế giới.
Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ ngày 31/7 cũng báo cáo 55.078 ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này, con số kỷ lục trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.638.870, chỉ thấp hơn Mỹ và Brazil. Về số ca tử vong, Ấn Độ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico và Anh.
 Ấn Độ thành vùng dịch chết chóc thứ 5 thế giới.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc Covid-19 trong ngày ở nước này tăng trên 50.000 ca. 

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết họ đặt mục tiêu thúc đẩy năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của đất nước lên một triệu lượt mỗi ngày trong trung hạn, từ mức kỷ lục 600.000 lượt được ghi nhận hôm 31/7.

Trong khi đó, tình trạng lũ lụt do gió mùa hàng năm ở phía đông và đông bắc Ấn Độ, khiến hàng chục nghìn người phải di dời, càng cản trở những nỗ lực ngăn nCoV lây lan. Tại Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ, nơi 125 triệu dân sinh sống, hơn 25.000 người bị nhồi nhét trong các trại tạm trú.
"Việc tiếp cận các nạn nhân lũ lụt và hỗ trợ họ không phải nhiệm vụ dễ dàng do lo ngại về đại dịch", nhân viên cứu hộ Mahendar Yadav cho hay.
Bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp, giới chức Ấn Độ vẫn tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 nhằm nỗ lực hồi sinh nền kinh tế. Chính phủ Ấn Độ tuần này tuyên bố tái mở cửa các trung tâm yoga và phòng gym, đồng thời loại bỏ các hạn chế đối với hoạt động giao thông vận tải./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần