Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WHO kêu gọi các nước tăng thuế với sản phẩm thuốc lá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân Ngày Thế giới không Thuốc lá 31/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi chính...

Kinhtedothi - Nhân Ngày Thế giới không Thuốc lá 31/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi chính phủ các nước tăng thuế sản phẩm này, khẳng định đây là phương cách hữu hiệu nhất để giảm hút thuốc và ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong sớm do hút thuốc lá.

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết hầu hết những trường hợp chết sớm do thuốc lá có thể được ngăn ngừa qua các biện pháp làm nản lòng người muốn hút thuốc và khuyến khích những người hút thuốc bỏ thuốc.

 
 Bảng cấm hút thuốc lá tại một quảng trường ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 21/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bảng cấm hút thuốc lá tại một quảng trường ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 21/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo WHO, tăng 50% thuế thuốc lá trên toàn cầu sẽ giúp giảm bớt 49 triệu người hút thuốc lá và cứu được 11 triệu sinh mạng. Bà Ayda Yureki, điều phối viên của Cơ quan Kiểm soát Thuốc lá thuộc WHO, nhấn mạnh một trong những ưu tiên cao nhất của WHO trong việc kiểm soát thuốc lá là ngăn giới trẻ tiếp cận với sản phẩm độc hại này.

Đây là công tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những nước đang phát triển bởi một thế hệ người trẻ khỏe mạnh sẽ giúp tạo đà cho tiến trình phát triển.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế thuốc là còn giúp tăng đáng kể thu nhập chính phủ, giúp chính phủ có thêm nguồn thu để cải thiện kinh tế, làm lợi cho cả y tế công cộng lẫn nền kinh tế. Theo ước tính của WHO, các chính phủ trên toàn thế giới có thể thu được thêm 101 tỷ USD nếu tất cả các nước tăng thuế thuốc lá thêm 50% mỗi bao.

Nam Phi là một ví dụ điển hình cho thành công của chính sách tăng thuế thuốc lá. Trong giai đoạn 1993-2009, Nam Phi đã tăng thuế thuốc lá từ 32% lên 52%, kết quả cho thấy hoạt động mua bán thuốc lá giảm 30% và thu nhập của chính phủ tăng từ gần 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo việc tăng thuế thuốc lá sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp này và thúc đẩy các công ty thuốc lá sử dụng những chiến thuật như sa thải công nhân để thuyết phục các nhà lập pháp rằng quyết định này sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong có thể ngăn ngừa được trên thế giới. Theo tính toán của WHO, thuốc lá giết chết gần 8 triệu người mỗi năm, trong đó có hơn 600.000 người bị ảnh hưởng vì hít phải khói thuốc của người khác. Tổ chức này cũng cảnh báo sẽ có khoảng một tỷ người thiệt mạng vào cuối thế kỷ này nếu các chính phủ không sớm có hành động.

Bên cạnh biện pháp tăng thuế, WHO cũng đề xuất nhiều biện pháp ngăn ngừa hút thuốc lá khác, bao gồm thiết lập những môi trường không hút thuốc, in các cảnh báo về sức khỏe trên bao thuốc, cấm tất cả mọi hình thức quảng cáo, quảng bá và bảo trợ những sản phẩm thuốc lá.