Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng công tác trên cần phải được tiến hành quyết liệt và đồng bộ hơn nữa để giảm bớt số nạn nhân liên quan đến thói quen gây chết người này.
Theo đánh giá của WHO, hiện có ba tỷ người trên Trái đất thực hiện các biện pháp phòng, chống thuốc lá. Trong năm năm qua, 32 quốc gia cũng đã ban hành luật cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đánh giá toàn diện cuộc chiến chống thuốc lá, WHO nhận thấy việc chống quảng cáo thuốc lá và các sản phẩm có liên quan là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Hiện có 24 quốc gia với tổng dân số 694 triệu người đang áp dụng các biện pháp này.
Tuy nhiên, 67 quốc gia khác lại không hề có chính sách hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá và cũng không ban hành lệnh cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo WHO, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất với khoảng sáu triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Trong số này, phần lớn là những người có thu nhập trung bình-thấp và khoảng 600.000 người tử vong do hít phải khói thuốc.
WHO dự báo nếu cuộc chiến chống sử dụng thuốc lá không được tiến hành quyết liệt và đồng bộ hơn nữa, đến năm 2030, mỗi năm sẽ còn có thêm hai triệu người chết vì thói quen hút thuốc lá.
Báo cáo dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng nếu các quốc gia không nỗ lực cấm quảng cáo thuốc lá, hạn chế sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc lá, thì ngành công nghiệp này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh và thu hút giới trẻ sử dụng sản phẩm chết người này.
Bà Chan nhấn mạnh mỗi quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người dân trước những căn bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra.