Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WTO bắt đầu đàm phán về tự do buôn bán "Hàng hóa Xanh"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/7, Liên minh châu Âu (EU) cùng thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới...

Kinhtedothi - Ngày 8/7, Liên minh châu Âu (EU) cùng thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức khởi động đàm phán đa phương về tự do hóa thương mại trong WTO đối với "Hàng hóa Xanh" đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Ở giai đoạn đầu tiên, các thành viên của sáng kiến "Hàng hóa Xanh"​​ sẽ hướng tới xóa bỏ thuế quan hoặc các rào cản hải quan đối với một danh sách các sản phẩm xanh nhằm kiểm soát ô nhiễm cũng như thanh lọc không khí và nước, góp phần quản lý chất thải và năng lượng hiệu quả, giúp tạo ra năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió hay thủy điện...).

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: bls.gov)
Ảnh minh họa. (Nguồn: bls.gov)
Ở giai đoạn thứ hai, các cuộc đàm phán hướng tới giải quyết những rào cản phi thuế quan và các dịch vụ môi trường. EU đặc biệt quan tâm đến việc giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ phụ trợ dành cho hàng hoá xuất khẩu. Ví dụ để sản xuất năng lượng gió, không những phải mua các tuabin gió, các công ty còn cần có quyền truy cập vào những dịch vụ bảo trì và kỹ thuật cần thiết để duy trì hoạt động của chuỗi các giá trị toàn cầu trên thế giới.

Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht đã hoan nghênh việc khởi động đàm phán, đồng thời cho rằng trong những năm qua EU đã đi đầu trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Sáng kiến nêu trên là một minh chứng tuyệt vời cho sự đóng góp có ý nghĩa của chính sách thương mại tích cực vào mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, tạo điều kiện tiếp cận với nguồn năng lượng sạch trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Cùng với 13 thành viên khác của WTO (gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ), EU đã đưa ra sáng kiến "Hàng hóa Xanh" hồi đầu tháng Một năm nay.

Nhóm này chiếm tổng cộng khoảng 86% kim ngạch thương mại thế giới chỉ tính riêng với các "sản phẩm xanh" nhờ áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến và hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ môi trường của các công ty tầm cỡ thế giới.

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2011, số lao động toàn thời gian trong lĩnh vực Xanh trên toàn EU đã tăng đáng kể, từ 3 triệu lên 4,2 triệu người. Về thương mại, EU đứng đầu thế giới trong cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa bảo vệ môi trường.