Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã Đa Tốn điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ nhiều năm nay, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm đã tích cực vận động người dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại VAC, trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Hình thành những trang trại tập trung

Năm 2006, xã Đa Tốn và huyện Gia Lâm có chủ trương xây dựng mô hình sản xuất theo hướng tập trung, sinh thái tại cánh đồng Chùa Thủy – Cầu Tấm, thôn Khoan Tế, anh nông dân tên Thành đã mạnh dạn dồn đổi ruộng xây dựng trang trại 2ha.

Trên diện tích đó, anh Thành quy hoạch 1,3ha nuôi trồng thủy sản, còn lại trồng cây ăn quả và xây chuồng trại nuôi gà. Nhờ biết tìm tòi, đầu tư nuôi trồng các loại cây, con đặc sản như bưởi Diễn, nhãn muộn, cá điêu hồng, ếch, cá lăng…, trang trại của anh Thành đạt 600 – 700 triệu đồng mỗi năm, trừ chi phí cho lãi 120 - 200 triệu đồng/năm.
 
 
Xã Đa Tốn điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - Ảnh 1
 
Chủ nhiệm HTX Đa Tốn Lê Văn Tán bên mô hình trang trại tổng hợp.
 

Ông Lê Văn Tán, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Tổng hợp Đa Tốn cho biết, từ năm 2003 đến nay, xã xây dựng được 4 vùng chuyển đổi tập trung từ cấy lúa, hoa màu kém hiệu quả sang mô hình trang trại VAC, trồng cây ăn quả. Đó là khu Cầu Tranh (thôn Đào Xuyên) diện tích 7ha, khu Kỹ Thuật (thôn Lê Xá) 8ha, khu Bè Khoai (thôn Thuận Tốn) 10ha và khu Chùa Thủy – Cầu Tấm diện tích 36ha.

Để người dân yên tâm dồn đổi ruộng, HTX đã đứng ra làm trung gian, chịu trách nhiệm thuê của ruộng của người dân, sau đó cho những người có nhu cầu thuê lại với giá gốc. Hiện nay, toàn xã Đa Tốn có 131 hộ sản xuất theo mô hình trang trại với diện tích 120ha. Thu nhập bình quân đạt 200 – 250 triệu đồng/ha, trong đó lãi 80 – 100 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/ha.
Đi đầu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật
 
Ngoài diện tích chuyển đổi, xã Đa Tốn còn khoảng 290ha cấy lúa. Đây là những diện tích khó chuyển đổi vì phần lớn nằm trong quy hoạch các dự án làm đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Hưng Yên và khu đô thị Tây Nam huyện Gia Lâm. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Dịch vụ Tổng hợp xã Đa Tốn đã vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) thường xuyên đưa các giống lúa mới như TH33, Hương cốm, Nếp cẩm... vào sản xuất.

Từ năm 2009, HTX đã vận động nông dân ứng dụng công nghệ gieo sạ lúa bằng công cụ kéo tay, vừa giảm chi chí, vừa nâng cao năng suất. Để giúp người dân chuyển đổ cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huyện Gia Lâm đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, điện, hệ thống mương máng và tập huấn kỹ thuật, bên cạnh đó còn hỗ trợ 50% giống, 100% thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng và 30% phân bón. HTX Dịch vụ Tổng hợp Đa Tốn chịu trách nhiệm làm toàn bộ từ khâu ngâm ủ giống, gieo sạ tới phun thuốc trừ cỏ, ốc bươu vàng, đến khi lúa được 2 – 2,5 lá mới giao cho bà con nông dân. Nhờ đó, diện tích gieo sạ lúa tăng lên nhanh chóng, đạt 70 – 80% diện tích.

Đặc biệt từ năm 2010, xã Đa Tốn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc tới thu hoạch. Hiện HTX đã trang bị được 7 máy gặt đập liên hợp. Ông Lê Văn Tán cho biết, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lúa hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, ông Tán đề nghị huyện, thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nông dân và tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất.