Xã hội hóa công tác tuyên truyền luật giao thông: Cách làm hay cần nhân rộng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường, nút giao tại Thủ đô xuất hiện hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền luật giao thông có gắn lô gô của nhiều DN lớn.

Xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, đây chỉ là hình thức quảng cáo trá hình của các DN. Tuy nhiên, ở dưới góc độ các nhà quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là trong hoàn cảnh nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp.
Góp gió thành bão
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT xuất phát từ chính ý thức của người điều khiển phương tiện. Và để khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua, một trong những nhiệm vụ được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chính là việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức luật giao thông đến mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế thì nhiệm vụ trên gặp không ít khó khăn. Từ thực tế này, trong những năm qua, giống như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, biện pháp huy động các nguồn lực kinh tế tham gia tuyên truyền phổ biến kiến thức luật giao thông là một trong những giải pháp được các cấp, các ngành ưu tiên thực hiện.

Khẩu hiệu tuyên truyền luật giao thông của Mobifone trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ thể, mới đây, Bộ TT&TT, Ban ATGT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Mobifone treo hàng triệu tấm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền luật giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao thuộc mạng lưới đường giao thông Quốc gia. Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, những khẩu hiệu như: Tính mạng con người là trên hết; Đã uống rượu, bia - Không lái xe; Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ; Phải đi đúng phần đường, làn đường; Không sử dụng điện thoại khi lái xe… dù đã quá quen thuộc với người tham gia giao thông, tuy nhiên khi được treo trên những tuyến đường, nút giao… nơi những người tham gia giao thông có thể dễ dàng nhận thấy đã tác động không nhỏ vào nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông.
Được biết, bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức luật giao thông qua băng rôn, khẩu hiệu, hiện Mobifone vẫn thường xuyên phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức tuyên truyền luật giao thông tại các trường học. Ngoài ra, Mobifone vẫn đã và đang duy trì tổng đài 9055 để giải đáp, cung cấp những kiến thức về luật giao thông cho các thuê bao của mình… những biện pháp đó đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông của người Việt.
Trải thảm đỏ chờ các doanh nghiệp
Đánh giá về hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức luật giao thông, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khẳng định, đây là cách làm hay cần nhân rộng. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn ngân sách dành cho công tác tuyên truyền luật giao thông cũng bị hạn chế một phần. Do đó, nếu có sự chung tay, góp sức của các DN thì những khó khăn đó sẽ được san sẻ phần nào. “TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Việc có thêm những khẩu hiệu, băng rôn trên mỗi cung đường sẽ giúp các lái xe phải suy nghĩ trước khi có những hành vi vi phạm luật giao thông” – lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Phòng CSGT, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, từ ngày 26 - 31/1/2017, trên địa bàn TP xảy ra 8 vụ TNGT, làm 8 người chết, 5 người bị thương (so với 5 ngày Tết Bính Thân 2016 bằng số vụ, giảm 4 người chết, tương đương 33,3%, giảm 6 số người bị thương, tương đương 54,5%). Và để đạt được kết quả như vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát vi phạm thì có một phần góp sức không nhỏ của công tác tuyên truyền, trong đó có những tấm băng rôn, khẩu hiệu phổ biến kiến thức luật giao thông trên mỗi cung đường.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, việc tăng cường tuyên truyền luật giao thông bằng hình thức trực quan với những câu khẩu hiệu đơn giản trên những tuyến đường sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của những người điều khiển phương tiện, từ đó làm thay đổi những hành vi sai trái, đi ngược lại với những chuẩn mực của xã hội, góp phần giảm thiểu TNGT. Cũng theo ông Thái, trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu giảm từ 5 – 10% số người tử vong do TNGT theo yêu cầu của Chính phủ, ngoài việc yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, Ủy ban ATGT sẽ tạo mọi điều kiện để khuyến khích các DN tham gia tuyên truyền phổ biến kiến thức luật giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần