Huy động doanh nghiệp
Sở Công Thương Hà Nội mới đây đã trình UBND TP 3 hình thức thực hiện Chương trình bình ổn giá năm 2014. Một là, tiếp tục tạm ứng vốn cho các DN vay với lãi suất 0% để dự trữ 7 nhóm hàng thiết yếu. Hai là, khuyến khích DN sản xuất, kinh doanh sử dụng nguồn vốn tự có để tham gia dự trữ, cung ứng hàng bình ổn giá. Ba là, TP liên kết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho DN vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện bình ổn giá 9 mặt hàng thiết yếu. Lượng hàng hóa bình ổn với hình thức này lên đến 519.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% nhu cầu trên thị trường. Đây là hình thức khá mới nhằm xã hội hóa nguồn vốn, tăng tính chủ động cho DN khi tham gia chương trình bình ổn giá. Theo đó, ngân hàng cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho DN thực hiện bình ổn giá, các DN có cơ hội tiếp cận được nguồn kinh phí lớn hơn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội, các ngân hàng là Công Thương,
NN&PTNT, Ngoại thương... đều bày tỏ sự ủng hộ và cam kết dành gói ưu đãi cho các DN bình ổn giá. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, các DN tham gia cũng sẽ được lựa chọn theo những tiêu chí cụ thể như có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn; sản phẩm phù hợp; hoạt động hiệu quả, đồng thời, có số lượng điểm bán hàng hoặc điểm cung ứng đáp ứng yêu cầu, có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng, phân phối hiệu quả... Những DN tham gia chương trình nhưng không nhận nguồn vốn tạm ứng của TP cũng phải đáp ứng được các điều kiện chung.
Trong khi đó, với việc xây dựng cơ chế để thu hút các DN tham gia chương trình bình ổn giá, năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. 5 ngân hàng thương mại cho DN tham gia chương trình bình ổn đã cho vay lãi suất ưu đãi ra 1.961 tỷ đồng. Không chỉ tăng nguồn hàng dự trữ, chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh cũng đã mở rộng thời gian ra 12 tháng trong năm.
Hướng tới không sử dụng nguồn ngân sách
Báo cáo chung về chương trình bình ổn giá tại nhiều địa phương do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thực hiện cho thấy, từ cách làm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số địa phương cũng đang triển khai chủ trương nhân rộng mô hình huy động các ngân hàng thương mại cùng DN tham gia bình ổn giá thị trường, không sử dụng nguồn hỗ trợ ngân sách. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là hiện nay các ngân hàng thương mại chưa có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước về cách thức hỗ trợ này. Bộ Tài chính đã có đề nghị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại địa phương chủ động và có biện pháp để tham gia Chương trình tại địa phương; Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện xã hội hóa (không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước) bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; có giải pháp tạo điều kiện cho các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục tuyên truyền để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả...
Về lâu dài, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu có cơ chế khuyến khích DN lớn, chủ lực tham gia dự trữ lưu thông đối với một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống để chủ động nguồn cung, can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường, giá cả.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng tại Siêu thị Co.op Mart Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng
|