Xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 29/5, Quốc hội đã cho ý kiến về những điểm còn khác nhau của dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Trong đó, vấn đề xã hội hóa được nhấn mạnh là cần thiết và cần quy định cụ thể để khuyến khích.

Nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) cho rằng, quy định về xã hội hóa công tác PBGDPL trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa đưa ra được quy định về các chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể huy động được các nguồn lực xã hội dành cho công tác này, do đó cần có một điều quy định riêng cụ thể hơn và linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể. ĐB Bùi Văn Xuyên (Thái Bình) cho rằng: Công tác PBGDPL hiện chưa hiệu quả, Luật ban hành nhiều, nhưng truyền tải đến dân rất yếu kém. Ngoài việc tuyên truyền chưa chất lượng, phải nhìn thẳng vào thực tế là việc tăng cường cho cơ quan tổ chức, việc đầu tư nguồn lực cũng chưa hiệu quả. Do đó, việc xã hội hóa là cần thiết, để huy động được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng nhận định: Xã hội hóa giáo dục pháp luật không thể thiếu, do đó Luật cần nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới người lao động.

Với các hình thức PBGDPL, các ĐB cho rằng việc đưa công nghệ thông tin trở thành một kênh chính thức và đề nghị người dân được truy cập miễn phí các trang pháp luật. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị: Để làm được điều này, trang web về pháp luật do Bộ Tư pháp quản lý cần được đầu tư và người dân được truy cập miễn phí. Các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, Nhà nước cũng cần thông qua mạng điện tử của mình để tuyên truyền chính sách pháp luật tới người dân.

Thảo luận về các vấn đề khác, các ĐB cũng góp ý cần bổ sung các đối tượng được PPBGDPL tại trung tâm giáo dưỡng, người tạm giam, tạm giữ.  Đồng thời, đề cao vai trò người đứng đầu cơ quan tuyên truyền PBGDPL, gắn nói đi đôi với làm. Tránh việc lợi dụng PBGDPL để tham ô, lãng phí và có chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các chính sách pháp luật hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần