Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất & Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, những trận động đất nhỏ xảy ra trên các đới đứt gãy ở nước ta là những hoạt động bình thường, không có gì đặc biệt. Nếu những đoạn đứt gãy ấy hoạt động, sẽ xảy ra động đất.
Trong khi đó, ông Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, tai biến thiên nhiên là hiện tượng tự nhiên rất khó lường. Nếu không có phương pháp, chủ đề phòng, rất có thể gây ra những thiệt hại lớn.
Theo đó, trên một vùng lãnh thổ thường bị chia cắt bởi các điểm đứt gãy hình thành do tai biến địa chất. Các điểm đứt gãy này trong quá trình hoạt động có thể gây ra động đất làm nứt vỡ mặt đất, gây sụt lún, trượt lở, làm đổ nhà cửa...
Chính vì vậy, nhiệm vụ của ngành địa chất phải xác định trên lãnh thổ đất nước có bao nhiêu đứt gãy, trong số đó bao nhiêu đứt gãy đang hoạt động. Từ đó, đưa ra những cảnh báo cũng như các giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và dự báo sẽ góp phần cảnh báo, đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý, các địa phương nắm bắt được thực trạng để điều chỉnh việc triển khai các công trình.
Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai Đề án “Xây dựng mạng lưới địa động lực trên khu vực các đứt gãy thuộc miền Bắc Việt Nam phục vụ công tác dự báo tai biến tự nhiên.
Trong giai đoạn 1, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã nghiên cứu tại một số khu vực miền Bắc như: Đứt gãy Điện Biên-Lai Châu, Sơn La-Tuần Giáo, Cao Bằng-Lạng Sơn, và đứt gãy sông Hồng.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai giai đoạn 2, tập trung nghiên cứu các điểm đứt gãy ở khu vực miền Trung như đới đứt gãy sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn…
Ảnh minh họa.
|