Kinhtedothi - Cùng với cả nước bước vào năm mới 2016 với những mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội cao hơn khá nhiều so với năm 2015, Thủ đô Hà Nội đặt quyết tâm cao ngay từ những ngày, tháng đầu bằng các giải pháp đồng bộ và cụ thể.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị trước thềm năm mới, lãnh đạo các sở của TP chia sẻ về những công tác trọng tâm của ngành để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được TP giao phó.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Tập trung 5 giải pháp nâng chất lượng giáo dục
Trong những năm gần đây, phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được của ngành GD&ĐT Thủ đô, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự nỗ lực của đội ngũ thầy và trò, ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tích chung phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Quy mô trường học Hà Nội phát triển với hơn 2.500 trường học, trên 1,6 triệu học sinh. TP đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS... Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tích cực. Số học sinh đoạt giải quốc gia trong 5 năm qua tăng từ 118 lên 140 giải, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải. Chất lượng giải quốc tế cũng tăng dần hàng năm, chỉ tính riêng năm 2014 và 2015, Hà Nội có 19 huy chương ở các bộ môn…
Trong định hướng phát triển Thủ đô trở thành trung tâm lớn hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, ngành Giáo dục xác định tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, ngành giáo dục tập trung 5 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 có 70% trường học đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành xóa phòng học cấp 4 ở tất cả các cấp học. Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho giáo dục, tiếp tục thí điểm một số trường hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh Thủ đô. Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.Thứ năm, đổi mới công tác quản lý, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở, coi trọng quản lý chất lượng, thực hiện mục tiêu “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao” trong mọi hoạt động của ngành.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự chăm lo của Nhân dân Thủ đô, thời gian tới, thầy trò ngành giáo dục quyết tâm phấn đấu hoàn thành trọng trách vinh quang trong sự nghiệp “Trồng người”, phát huy truyền thống của Thủ đô văn hiến, anh hùng.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng: Tham mưu tốt công tác cải cách hành chính
Với mục tiêu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có vai trò tham mưu giúp Thành ủy, HĐND, UBND TP trong lĩnh vực nội vụ, ngành Nội vụ Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong năm 2016 là tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện thành công kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2021. Đồng thời, ngành sẽ cố gắng phát huy những mặt tích cực trong thực hiện vai trò tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC); tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của cấp trên và chịu trách nhiệm của cấp dưới, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào, ngăn chặn phòng, chống tiêu cực trong thi tuyển, tuyển dụng, bố trí CC, VC theo đúng vị trí, tiêu chuẩn chức danh; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC.
Để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng này, một giải pháp đầu tiên mà ngành Nội vụ Thủ đô đặt ra trong năm tới là nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, đổi mới phương pháp lãnh đạo, tăng cường tính chủ động trong chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực được giao. Ngay trong các đơn vị trực thuộc ngành nội vụ TP sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, gương mẫu đi đầu trong đổi mới phong cách, phương thức làm việc, đề cao chất lượng, hiệu quả; giảm hội họp, tăng cường phối hợp hoạt động. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ trong phạm vi quản lý, nhằm xử lý nghiêm, kịp thời những CB, CC lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành và tiết kiệm chi phí hành chính, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành nội vụ TP, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ CC, VC. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu CB, CC tăng cường nắm bắt thông tin từ cơ sở, phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã ban hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ.
Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng: Quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về định hướng công tác, những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là công tác trọng tâm. Sở QH-KT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường phân cấp, hoàn thiện quy trình theo hướng rút gọn, điều chỉnh kịp thời các quy chế kiểm soát chất lượng nội bộ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải quyết; tăng cường và ứng dụng công nghệ thông tin... Phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm mới ban hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các phòng, ban, đơn vị để áp dụng trong thực thi công vụ nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng chậm, muộn trong quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng tiếp tục được đổi mới theo hướng cụ thể, sâu sát, phân công trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể.
Ngay trong quý I/2016, Sở sẽ hoàn thành thẩm định, trình phê duyệt toàn bộ các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu còn lại của TP; hoàn thành Quy chế quản lý công trình cao tầng; Quy chuẩn 4 quận nội đô nhằm phủ kín quy hoạch trên địa bàn TP, đủ điều kiện để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đủ công cụ để quản lý đô thị. Tập trung nghiên cứu các công cụ quản lý nhằm tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị, đặc biệt đối với khu vực nội đô, cần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết. Trong năm 2016, Sở cũng đặt mục tiêu khẩn trương triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý các khu vực quan trọng, đặc thù làm công cụ quản lý đô thị; tập trung triển khai quy hoạch phân khu xây dựng, chi tiết xây dựng các khu chức năng đặc thù, quy chế quản lý các thị trấn… làm công cụ kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển.
Trong năm 2015, với sự quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức và tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Sở QH-KT Hà Nội đã từng bước tạo được sự đột phá mới về cải cách hành chính. Sở đã đặc biệt chú trọng về yếu tố phục vụ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc đơn giản hóa các TTHC, chú ý rút gọn, loại bỏ những thủ tục rườm rà, không cần thiết được rà soát thường xuyên, rút kinh nghiệm kịp thời từ những ý kiến đóng góp của người dân, DN, địa phương. Những chuyển biến trong TTHC, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía DN, người dân. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các quận, huyện, thị xã, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai quy hoạch cũng đã có những kết quả tích cực.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hàng hóa các nước phát triển vào nước ta nhiều với chất lượng cao nhưng giá thành thấp. Do đó, ngành nông nghiệp Thủ đô phải tái cơ cấu lại sản phẩm truyền thống, tập trung vào nhóm sản phẩm có chất lượng gắn với hạ giá thành sản phẩm và nâng cao ATTP. Trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô, sản phẩm trồng trọt là lúa hàng hóa chất lượng cao, hoa, rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh; còn trong chăn nuôi tập trung vào gia cầm, lợn, bò thịt và bò sữa.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2016 là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Cụ thể, TP sẽ ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng kỹ thuật cao nhằm nâng hiệu quả canh tác, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và DN.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị TP ưu tiên bố trí nguồn lực cho các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, bố trí kinh phí để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Khu sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chương Mỹ và khu khảo nghiệm, thực nghiệm giống cây trồng ứng dụng công nghệ tại huyện Thường Tín.