Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xác định hệ giá trị văn hóa, gia đình phù hợp với từng địa phương

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình cần bắt đầu từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo một cách chủ động. Xác định các hệ giá trị phù hợp với địa phương, đồng thời, cần có đề án cụ thể, đồng bộ, đi vào đời sống nhân dân.

Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Sở VH&TT Hà Nội và Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) với tỉnh Thái Nguyên, trong khuôn khổ hoạt động của chương trình khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường cho biết, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quan tâm, ưu tiên xây dựng, phát triển văn hóa. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các nội dung tuyên truyền về hệ giá trị con người Việt Nam gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thật; hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; công tác gia đình và nhiều hoạt động khác…

Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, thông qua các nguồn lực, hiện, tỉnh có 2.254 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; trong đó có trên 300 câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Trong năm 2024, đã tổ chức 99 buổi biểu diễn nghệ thuật; 68 buổi tuyên truyền lưu động, phục vụ 60 buổi văn hóa trà. Tỉnh đã tổ chức nhiều lễ hội lớn như: Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và giải Việt dã Tiền phong - chạy tập thể tỉnh Thái Nguyên năm 2024; Khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên với chủ đề "Từ trải nghiệm đến trái tim" và Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề "Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc"…

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên còn quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử vào trong các cấp học. Xây dựng các tiêu chuẩn đối với các công dân tiêu biểu của tỉnh, xây dựng 3 mô hình điểm về truyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học; cấp phát 9.000 tập gấp tuyên truyền; 5.450 cuốn tài liệu tuyên truyền về đạp đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học…

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng tại buổi làm việc.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng tại buổi làm việc.

Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng, chương trình khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới giữa các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực tiễn, cũng như. Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, để phát triển hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình cần bắt đầu từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo một cách chủ động. Xác định các hệ giá trị phù hợp với địa phương, đồng thời, cần có đề án cụ thể, đồng bộ, đi vào đời sống Nhân dân.