Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xác định rõ hướng đi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hạ tầng thiếu, vốn ít, phương án sản xuất, kinh doanh chưa rõ ràng và thiếu tính chiến lược… đang là những hạn chế khiến các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoạt động kém hiệu quả.

Nhiều khó khăn

HTX Nông nghiệp Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa có 850 hộ tham gia với hơn 1.500 xã viên, quản lý 208ha diện tích đất nông nghiệp. Từ  số vốn ban đầu năm 1997 là 292 triệu đồng, đến nay vốn kinh doanh của HTX đạt 699 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Khắc Hải, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trần Đăng, HTX mới chỉ dừng lại ở cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất, còn đầu ra vẫn đang bỏ ngỏ.

Xác định rõ hướng đi - Ảnh 1

Thu hoạch khoai lang tại HTX nông nghiệp Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.Ảnh: Thiên Tú

Ở tình cảnh khác, huyện Sóc Sơn có 108 HTX, trong đó có 78 HTX nông nghiệp, 2 Quỹ tín dụng và 28 HTX phi nông nghiệp, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 10% HTX có trụ sở hoạt động. Ông Lê Văn Khánh, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn chia sẻ, do không có nơi làm việc ổn định nên hoạt động điều hành của HTX gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của nhiều HTX cũng còn hạn chế.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 980 HTX nông nghiệp, trong đó tỷ lệ các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp. Hiện mới có 67% HTX có trụ sở làm việc. Cùng với đó, tài sản, vốn quỹ của HTX chưa được phân định rõ ràng, việc góp vốn của xã viên ở một số HTX còn thấp và sử dụng vốn thiếu hiệu quả. Đặc biệt, nhiều HTX chưa mở rộng liên kết với các HTX trên địa bàn và các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên…

Xây dựng phương án kinh doanh hợp lý

Theo ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, phải xác định rõ mô hình HTX kiểu mới với những tiêu chí cụ thể. Trong đó, xã viên là những người tham gia đóng góp vốn, công sức vào hoạt động của HTX và được phân chia lợi nhuận dựa trên mức đóng góp đó, tránh tình trạng xã viên tham gia một cách hình thức như hiện nay. Theo ông Chung, Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ HTX để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

Đặc biệt, để nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX phải có phương án rõ ràng, lựa chọn ngành nghề, sản phẩm phù hợp với thế mạnh của địa phương và nhu cầu thị trường. Hiện nay, nhiều HTX đi học tập kinh nghiệm, mô hình ở nơi khác nhưng lại áp dụng một cách rập khuôn, máy móc nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Để giúp các HTX hoạch định hướng đi đúng, rất cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất, thời gian tới, cần tăng cường giúp đỡ các HTX xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng Luật HTX và phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện. Ông Cương cũng kiến nghị UBND TP có chính sách tháo gỡ về đất đai, xây dựng trụ sở và tạo mọi điều kiện cho các HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập cho xã viên. Với những HTX yếu kém nếu không còn khả năng đổi mới thì kiên quyết giải thể.