Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu, điện "nóng" cùng Quốc hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên quan đến câu hỏi doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ hay lãi và có hay không hiện tượng làm giá giữa một nhóm nhỏ doanh nghiệp độc quyền, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết 3 đoàn thanh tra đã kết thúc đợt làm việc tại một số đơn vị đầu mối...

Cuối buổi họp Quốc hội sáng nay 24/11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ bắt đầu phiên chất vấn với việc nhận hàng loạt câu hỏi về giá xăng dầu, giá điện.

 
Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) xới lại vấn đề được nhiều lần đề cập: "Khi giá xăng dầu thế giới tăng, trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, khi thế giới giảm thì giá trong nước không giảm, gây bức xúc trong dư luận. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp điều hành trong thời gian tới như thế nào?". Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) yêu cầu Bộ trưởng Huệ công khai kết quả thanh tra xăng dầu.  
 
Xăng dầu, điện  "nóng" cùng Quốc hội - Ảnh 1

  Người đứng đầu ngành tài chính - Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Cũng trong lượt đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Đoàn Thị Nga chất vấn việc Tập đoàn Điện lực (EVN) liên tục đòi tăng giá nhưng đầu tư ngoài ngành lớn, gây lỗ nhưng lương nhân viên trả vẫn cao. Đại biểu này đặt câu hỏi với cả Bộ trưởng Tài chính và Công Thương, phải chăng độc quyền điện nên bắt dân phải gánh chịu các khoản lỗ không hợp lý và được quyền trả lương cho nhân viên cao. Cách làm này tuân theo đạo lý nào, cơ sở pháp lý nào?.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chất vấn thêm về nguyên nhân gây lỗ của EVN là do đầu tư ngoài ngành lớn, quản lý yếu kém... hay vì lý do nào khác. Vị này cho rằng việc thiếu công khai minh bạch ở các tập đoàn đã dẫn tới hệ lụy thất thoát hàng nghìn tỷ đồng và đặt lại câu hỏi: "Đến bao giờ xăng dầu, điện mới công khai minh bạch? Sắp tới có gì đổi mới mang tính đột phá?".

 

Xăng dầu, điện  "nóng" cùng Quốc hội - Ảnh 2

Nhiều đại biểu Quốc hội thắc mắc việc giá thế giới giảm liên tục, xăng dầu trong nước vẫn đứng im. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ trả lời các câu hỏi nói trên vào đầu giờ chiều nay. Trong văn bản trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu trước đó về vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Hiện nay xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (khoảng 70%), 30% còn lại là từ nguồn trong nước. Vì vậy, khi giá thế giới biến động, giá bán lẻ trong nước chịu ảnh hưởng theo.
 

Theo Bộ trưởng Huệ, việc điều hành vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ trên cơ sở: Thực hiện theo cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Song, ông cũng thừa nhận thời gian qua trong một số lần điều chỉnh giá, các đơn vị chức năng đã chưa chú ý đúng mức tới thói quen, tập quán của người tiêu dùng. Vì vậy, các đợt tăng giá bị hiểu lầm là liên tiếp, dồn dập, gây tác động bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng nhất định đến giá cả một số mặt hàng khác.

Liên quan đến câu hỏi doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ hay lãi và có hay không hiện tượng làm giá giữa một nhóm nhỏ doanh nghiệp độc quyền, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết 3 đoàn thanh tra đã kết thúc đợt làm việc tại một số đơn vị đầu mối. Bộ Tài chính sẽ công khai bản báo cáo này và khi đó, lỗ, lãi sẽ được minh bạch hóa.

Đối với mặt hàng điện, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng việc tăng giá là bất khả kháng, Nhà nước không thể thực hiện bao cấp mãi được. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá bán điện mới tăng có một lần (ngày 1/3) từ 1.077 đồng mỗi kWh lên 1.242 đồng một kWh.

Theo ông Huệ, đợt điều chỉnh ngày 1/3, giá điện vẫn chưa tính đúng, tính đủ một số yếu tố đầu vào. Một khoản lỗ lũy kế khá lớn tính đến ngày 31/12/2010 đã bị khoanh lại để phân bố sang các năm tiếp theo.

Ông Huệ khẳng định Chính phủ đã phải rất cân nhắc trong việc điều hành giá bán điện, bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá điện đã lên mức rất cao.