Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng an sinh xã hội bền vững vì sự phát triển của ASEAN

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 26/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Trung tâm Châu Á tầm nhìn thế kỷ XXI (Đại học Harvard) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo

KTĐT - Sáng 26/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Trung tâm Châu Á tầm nhìn thế kỷ XXI (Đại học Harvard) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã tổ chức Hội thảo "Sự phát triển của xã hội ASEAN và xây dựng một mạng an sinh xã hội bền vững".

Tham dự Hội thảo có Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, giáo sư Arthur Kleinman - Giám đốc Trung tâm châu Á, Đại học Harvard, cùng nhiều giáo sư của các viện kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.


Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thiết lập một mạng an sinh xã hội bền vững đang là vấn đề cấp bách tại Đông Á và ASEAN. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng trên toàn thế giới. Quyết tâm và nỗ lực cải cách của mỗi nền kinh tế là vô cùng thiết yếu, song chưa đủ mà theo Thủ tướng cần phối hợp chính sách, tăng cường hợp tác, liên kết cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khái quát thành tựu kinh tế - xã hội to lớn mà Việt Nam đạt được trong 25 năm đổi mới vừa qua, như kinh tế tăng trưởng cao 7 - 8% liên tục trong nhiều năm liền; thu nhập trung bình đầu người từ mức dưới 100 USD vào năm 1990 đã tăng lên khoảng 1.160 USD năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ khoảng 70% vào cuối những năm 1980 xuống còn khoảng 10% năm 2010.


Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững cả về kinh tế, xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân 7 - 8%. Đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD; thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010.


Hội thảo diễn ra với 4 phiên thảo luận: Phân tích thực trạng kinh tế thế giới từ phía cầu; Sự tăng lên của bộ phận dân số có thu nhập trung bình ở châu Á; Mạng lưới an sinh xã hội và những giá trị trong xã hội châu Á, những vấn đề an sinh xã hội khác (phản ứng chính sách với thảm họa thiên nhiên, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu). Các giáo sư và những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế tham luận với các chủ đề: Kinh tế châu Á và kinh tế thế giới trước và sau đại khủng hoảng 2008, mạng sản xuất ở Đông Á và nhu cầu trong và ngoài khu vực, thách thức đối với tăng trưởng bền vững...