Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Với mục tiêu trao đổi về phương hướng và các biện pháp tăng cường hợp tác, thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Công Thương, các vị nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tham tán đại diện thương mại, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, một số Ủy ban Nhân dân tỉnh và lãnh đạo tập đoàn kinh tế. Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là kết quả của “sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và giữa các cơ quan trong nước với Cơ quan đại diện ở nước ngoài.” Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: “Ngoại giao kinh tế phải mang lại những giá trị bổ sung cho tổng thể hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước, cơ sở thực hiện là dựa trên các thế mạnh đặc thù trong hoạt động của ngành ngoại giao và sự phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp” và “ hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục là lĩnh vực then chốt, xuyên suốt, có vai trò định vị đất nước trong cục diện mới, là tiền đề và nền tảng cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện sắp tới.” Bộ trưởng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, đồng thời đưa ra các biện pháp tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh Luật Cơ quan đại diện năm 2009 đã tạo điều kiện thuận lợi gắn kết mọi hoạt động đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng nhằm tạo hiệu quả cộng hưởng cao nhất phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ rõ những nét mới của tình hình quốc tế và trong nước, đặt ra những thách thức cũng như những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bộ trưởng đề xuất những biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành công thương và ngoại giao, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo và giữa các đơn vị của hai Bộ, đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền kinh tế đối ngoại, sớm xây dựng và thực hiện đề án sắp xếp và tổ chức biên chế của Thương vụ Việt Nam theo hướng linh hoạt, gọn nhẹ, bảo đảm hiệu quả công tác chuyên môn. Tham luận của đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Tập đoàn Dầu khí đã chúc mừng những thành tích và đóng góp của ngành ngoại giao đối với hội nhập kinh tế và phát triển đất nước; đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện với các bộ, ngành trong thời gian qua. Đại diện các Trưởng Cơ quan đại diện và Tham tán Thương mại phát biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ kinh tế đối ngoại tại các địa bàn, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều khẳng định công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong những năm qua. Thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành ngoại giao, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, đồng thời mong muốn Hội nghị tập trung thảo luận đề ra nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả các mục tiêu phát triển của đất nước. Theo đó, năm 2012, ngành ngoại giao cần tập trung bám sát nhiệm vụ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý và 3 khâu đột phá để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã đề ra. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ và khai thác có hiệu quả thế mạnh của các đối tác truyền thống, nhất là đối với các đối tác chiến lược trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Về lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành ngoại giao hoàn thành việc xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế trong quý 1 năm 2012 , trong đó có chiến lược hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực về xuất nhập khẩu, đầu tư… hoàn tất các cam kết gia nhập WTO và các FTA đã ký, kiện toàn Ủy ban Hợp tác kinh tế Quốc tế và có chiến lược đàm phán những FTA mới với các đối tác hàng đầu thế giới để tranh thủ được những nguồn lực lớn hơn cho phát triển; tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai Phương án tổng thể tham gia Vòng Đàm phán Doha, Phương án đàm phán Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… bảo đảm tối đa lợi ích của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngành cần làm tốt công tác xuất khẩu lao động, du lịch, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với đó là đấu tranh với các hoạt động bảo hộ, chống bán phá giá, đồng thời tiếp tục vận động ODA để đầu tư hạ tầng, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực hàm lượng chất xám cao. Tăng cường thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do để tăng nhanh xuất khẩu, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao như xây dựng trường tại Việt Nam, tăng thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam theo học tại nước ngoài… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành ngoại giao quan tâm chăm lo cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, học tập, sinh sống ở nước ngoài , góp phần giúp bà con làm ăn, sinh sống thuận lợi và phát huy vai trò cầu nối tăng thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước sở tại và gắn bó với quê hương đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, rà soát lại cơ cấu, tổ chức, biên chế tại các cơ quan đại diện để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, phát huy tối đa sức mạnh tập thể, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan đại diện, góp phần cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.../.