Kỹ thuật làm chủ năng suất
Nếu như nhiều năm trước, nghề trồng hoa ở Mê Linh diễn ra khá manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu sử dụng các giống hoa truyền thống thì đến nay, địa phương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh hoa quy mô 20ha trở lên, tập trung ở các xã Mê Linh 200ha, Đại Thịnh 90ha, Văn Khê 107ha... Nhiều giống hoa mới (nhập ngoại), chất lượng cao (độ bền, mùi hương, màu sắc đa dạng, phong phú) được đưa vào sản xuất thay thế các giống hoa truyền thống. Hàng năm, Mê Linh cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa (hoa hồng, cúc, loa kèn, ly...) cho người tiêu dùng ở Hà Nội và khắp các vùng miền của đất nước.
|
Những vùng chuyên canh hoa mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Mê Linh. |
Cùng với sản xuất tập trung, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được người trồng hoa Mê Linh hết sức chú trọng nhằm tăng năng suất và chất lượng hoa. Các kỹ thuật sản xuất mới từng bước được áp dụng đem lại hiệu quả cao như: Trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng; Sử dụng phân hữu cơ đặc biệt là đậu tương ngâm để tăng độ bền cây và bông hoa; Các mô hình trồng hoa thảm, hoa chậu... cũng dần được phát triển, góp phần tăng năng suất, chất lượng hoa và giảm sâu bệnh hại. Đáng chú ý, ảnh hưởng của điều kiện thời tiết tới doanh thu đã phần nào được người trồng hoa Mê Linh khắc chế thông qua các mô hình nhà lạnh bảo quản hoa tươi. Thống kê toàn huyện hiện có khoảng 168 nhà lạnh tập trung ở xã Mê Linh, Đại Thịnh. Đến nay, hoa được bảo quản bằng kho lạnh đạt từ 40 - 50% sản lượng hoa trên địa bàn huyện. 50 - 70% lượng hoa còn lại được đưa đi tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch. Điều này giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Từng bước khẳng định vị thếHiện nay, huyện Mê Linh có khoảng 430ha diện tích canh tác hoa. Lợi nhuận của các loại hoa cao gấp hàng chục lần so với cây lúa. Đặc biệt, hoa ly mang lại giá trị cao gấp khoảng 45 lần cây lúa truyền thống. Nhưng khó khăn chưa phải đã hết. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, dù đã quy hoạch thành những vùng sản xuất hoa chuyên canh, tuy nhiên diện tích sản xuất của từng hộ vẫn còn manh mún. Thời tiết biến đổi bất thường khiến sản xuất và bảo quản hoa gặp nhiều khó khăn. Việc tiêu thụ hoa vẫn chủ yếu theo hình thức tự sản, tự tiêu bên ngoài thị trường tự do nên giá cả bấp bênh. Đặc biệt, hoa chưa có thương hiệu nên thị phần còn hạn chế.
Trong số những vấn đề còn tồn tại, huyện Mê Linh xác định: Xây dựng thương hiệu cho hoa thương phẩm là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, địa phương đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội bước đầu triển khai xây dựng thương hiệu hoa Văn Quán (xã Văn Khê). Trong năm 2017, sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành để tạo dựng thương hiệu cho một số chủng hoa, vùng chuyên canh hoa khác. Việc xây dựng thương hiệu hoa Mê Linh góp phần khẳng định vị thế sản phẩm hoa của địa phương, qua đó từng bước gây dựng nền tảng cho chuỗi giá trị hoa Mê Linh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và nhân rộng những vùng hoa trên địa bàn huyện.
Định hướng trong những năm tới, ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, địa phương sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng sản xuất hoa hồng chất lượng cao 170ha mới được UBND TP phê duyệt quy hoạch. Dự kiến mở rộng ở các xã: Tự Lập, Liên Mạc, Vạn Yên, Tiến Thịnh. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống hoa, huyện sẽ chú trọng phát triển các loại hoa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu ở địa phương. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tăng cường tập huấn cho nông dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất hoa thương phẩm. Ông Trọng nhấn mạnh, bên cạnh thường xuyên nâng cao năng suất, chất lượng hoa, địa phương sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành tiến tới xây dựng thương hiệu hoa Mê Linh để giúp người dân thuận lợi trong tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và yên tâm phát triển sản xuất.