Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái

Bài, ảnh: Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 với kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng. Mục tiêu Đà Nẵng hướng đến là xây dựng đô thị sinh thái, an toàn về sức khỏe, môi trường cho người dân, các nhà đầu tư và du khách.

Lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng

Ngày 2/4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021 – 2030. Quyết định này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của TP; phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 Đà Nẵng hướng đến xây dựng TP môi trường, đô thị sinh thái.
DTại cuộc họp báo công bố đề án vào ngày 19/4, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Nội dung đề án với quan điểm bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng TP sinh thái, là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Về giải pháp, đề án bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng, đề án đặt ra các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có; phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở 4 nhóm thành phần trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể.

2 dự án xử lý rác của Đà Nẵng đã đến đâu?

Trả lời câu hỏi của Kinh tế & Đô thị về tiến độ 2 dự án xử lý rác thải vốn là “điểm nóng môi trường” trên địa bàn, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: Về nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày, đêm đã lựa chọn được nhà đầu tư đề xuất, công nghệ và hiện đang tiến hành những bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi. “Chúng tôi đã nộp hồ sơ để Bộ TN&MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường (DTM). Tiếp theo, Sở sẽ thành lập hội đồng để thẩm định công nghệ, báo cáo nghiên cứu khả thi. Tháng 6 tới sẽ hoàn thiện mọi thủ tục liên quan để tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” - ông Hùng thông tin.

Về nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn, ông Hùng cho hay: Đây là dự án có sẵn của Công ty CP Môi trường Việt Nam, đã được triển khai từ năm 2012 nhưng đến 2015 thì thất bại vì công nghệ không phù hợp. Sau đó, tại thời điểm rất áp lực về xử lý rác, TP Đà Nẵng đã cho phép công ty này nâng cấp công nghệ. Tới thời điểm này, dự án đã thẩm định xong công nghệ, DTM, xin được bổ sung quy hoạch hòa mạng lưới điện quốc gia, trình phê duyệt thiết kế cơ sở. Tuy nhiên, dự án vướng một vài vấn đề liên quan đến đầu tư và đang xin ý kiến các bộ liên quan để giải quyết. So với tiến độ đặt ra, dự án này trễ gần một năm, do thủ tục rất khó khăn.