Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng danh hiệu văn hóa: Làm gì để triệt bệnh thành tích?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chữa bệnh thành tích trong các chỉ tiêu văn hóa không hề dễ với nhiều quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Bởi đã nhiều năm, các đơn vị, địa phương thi nhau báo cáo tốt trong khi trường hợp chưa thật xứng đáng không hiếm.

Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu

Theo các cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội, những chỉ tiêu văn hóa đề ra trong năm 2016 có phần thấp hơn so với các năm trước để chất lượng của phong trào sát hơn với thực tế. Tuy nhiên, khi ở đâu đó vẫn còn điều tiếng về những nhóm thanh niên nghiện, những câu chuyện đau lòng như vợ con, mẹ già bị đẩy ra đường vì bạo lực gia đình, thì chỉ tiêu 85,7% gia đình, 55% thôn bản, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa… đề ra để đạt được trong năm 2016 sẽ vẫn chỉ mang tính thành tích. Theo ông Đinh Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: “Tôi nghĩ con số gia đình văn hóa chỉ nên để 85% hoặc dưới 85%”. Ông Phong nêu ví dụ điển hình tại địa bàn mình phụ trách, từ hơn 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa rút xuống còn 83% khi cơ quan quản lý siết chặt một số tiêu chí bình chọn.
Lãnh đạo quận Tây Hồ trao Giấy khen cho các gia đình tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ngày 28/6/2016. Ảnh: Minh Hiền
Lãnh đạo quận Tây Hồ trao Giấy khen cho các gia đình tiêu biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ngày 28/6/2016. Ảnh: Minh Hiền
6 tháng qua, Sở VH&TT Hà Nội đã rà soát số lượng các đơn vị hành chính sau kiện toàn, câu chuyện bình xét thực tế đã lộ diện nhiều "triệu chứng" mới của bệnh thành tích. Quận Bắc Từ Liêm, dù chưa đủ 3 năm thành lập nhưng cũng đã được công nhận phường đạt chuẩn văn hóa. Tại huyện Ba Vì, nhiều làng được công nhận làng văn hóa từ nhiều năm trước nhưng hoạt động trì trệ, bởi không đưa ra quy định thu hồi danh hiệu…

Ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức đề xuất, cần phải linh hoạt trong quá trình xét tặng danh hiệu văn hóa. Bởi không kể khó khăn của quận nội thành là không có quỹ đất xây dựng nhà văn hóa (NVH), quận ngoại thành thiếu nguồn vốn trang bị cơ sở vật chất; mà không thể mong muốn một quận mới thành lập chưa được 3 năm như Bắc Từ Liêm có 70% tổ dân phố văn hóa. “Quận Bắc Từ Liêm hiện có 13 phường với 181 tổ dân phố nhưng mới chỉ có 83 NVH, thiếu 98 NVH, việc phủ kín NVH đã khó, xây dựng NVH theo đúng tiêu chuẩn còn khó hơn vì không phải địa phương nào cũng có quỹ đất 4.000m2 và kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng theo đúng yêu cầu của Bộ VHTT&DL đối với phường đạt chuẩn văn minh đô thị” - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn chia sẻ. Từ thực tế đó, ông Tuấn đề nghị các ngành xem xét điều chỉnh các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Tìm kinh phí hoạt động

Theo ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, chủ trương xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân, tiêu chí bình xét danh hiệu để đẩy mạnh thi đua là đúng, nhưng chưa thực hiện được nhiều vì nhiều địa phương trông chờ tất cả vào sự đầu tư của Nhà nước. Chính vì thế mới có tình trạng NVH bị bỏ hoang vì không có trang thiết bị để hoạt động. Tại quận Ba Đình, một số NVH chỉ đủ công năng họp chi bộ, còn tổ chức hoạt động thể thao của quận trông cậy vào trường học và cơ quan công sở trên địa bàn…

Các địa phương loay hoay tìm nguồn tiền để duy trì những tiện ích tối thiểu như quạt, điều hòa, trang thiết bị âm thanh… Bởi ngoài quận Cầu Giấy và huyện Đan Phương xây dựng được mô hình nâng cao chất lượng NVH, còn lại hầu hết các quận, huyện đều gặp khó. Nếu như ở Cầu Giấy và Đan Phượng, các hoạt động tiện ích như cho mượn địa điểm dạy yoga, cờ vua, tập dancesport… mang lại nguồn thu đáng kể từ xã hội hóa để tái đầu tư hoạt động cho NVH, thì các địa phương khác lại tương đối mắc về cơ chế. Đó là chưa kể cũng chưa nhiều địa phương học được Đan Phượng trong việc dành nguồn tiền đầu tư 500.000 đồng mỗi tháng cho các NVH để hỗ trợ các công năng sử dụng.

Để đảm bảo điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt văn hóa, ông Động gợi ý, trong quy hoạch, các địa phương cần chú ý dành quỹ đất cho thiết chế văn hóa theo đúng quy định của Chính phủ. “Quy hoạch có thể là cho nhiều năm, còn xây dựng thì cần tùy vào khả năng kinh phí của từng địa phương, nên triển khai từng bước, được đến đâu chắc đến đó, phù hợp với sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Nếu điều kiện cho phép, các địa phương có thể xây dựng nguồn xã hội hóa để thực hiện” - ông Động nhấn mạnh.

Văn hóa không chỉ được đánh giá bằng yếu tố vật chất, mà ngọn nguồn là cách hành xử văn minh trong xã hội. Đến khi nào Hà Nội loại bỏ được bệnh thành tích trong việc đánh giá danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn văn hóa… để người nhận danh hiệu thấy vinh dự, tự hào và trách nhiệm thì phần hồn của văn minh thanh lịch Thủ đô mới được dựng xây bền vững. Giảm bớt các con số mang tính thành tích cao mà chưa thực chất, đầu tư thực chất theo nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân… là những giải pháp mà Hà Nội đang tiến hành để phong trào phát triển bền vững.
"Trong tháng 8/2016 hoàn thành kiểm tra rà soát, báo cáo UBND TP Hà Nội việc giao và thực hiện chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, bản) văn hóa, tổ dân phố (cụm dân cư, khối phố, khu phố) văn hóa; đảm bảo phù hợp các đơn vị hành chính thôn, tổ dân phố của TP Hà Nội. Những địa phương còn gặp vướng mắc, ngành văn hóa phải đề xuất phương án tháo gỡ, địa phương làm hiệu quả có thể đưa vào làm mô hình để quận, huyện khác học hỏi” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh những việc cần làm với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa Thủ đô trong 6 tháng cuối năm 2016.
Về bản chất của phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa góp phần giáo dục lối sống cho con người trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, ở đâu đó phong trào này chỉ mang tính chất phát giấy chứng nhận. Những công việc cần thiết người ta vẫn làm nhưng lâu nay nó lại mang tính chất biểu dương, thành tích chủ nghĩa cho nên dẫn đến phản tác dụng. Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý văn hóa của Thủ đô đã nhận ra điều đó và đang dần điều chỉnh để không đưa ra các chỉ tiêu quá cao, chống lại căn bệnh thành tích cho phong trào. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này không thể trong ngày một ngày hai mà có thể cần tới một vài năm.
 PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam