Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng đình trệ, thép tồn kho lớn

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều dự án xây dựng, bất động sản đình trệ, chậm triển khai, khiến cho thị trường vật liệu xây dựng tồn kho lớn, đặc biệt là vật liệu thép.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Hải Linh
Khó khăn bủa vây
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận mức tăng trưởng âm về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép trong nước, lần lượt là 6,9% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, xuất khẩu thép giảm 19,3% so với cùng kỳ. Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) thông báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất của đơn vị này giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019, nhiều DN khác cũng đồng báo cáo doanh thu giảm.

Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của Công ty chỉ mới bắt đầu khôi phục từ tháng 6 đến nay. “Hoạt động sản xuất của chúng tôi gần như đình trệ hoàn toàn trong quý I/2020, mặc dù sản lượng tiêu thụ có tăng nhẹ nhưng nhìn chung doanh thu giảm khoảng 10%” – ông Trần Tuấn Dương chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS Hoàng Quang Huy cho biết, giá trị của vật liệu xây dựng thường chiếm từ 60 – 70% cơ cấu giá thành công trình xây dựng. “Ảnh hưởng của dịch bệnh làm cho hoạt động xây dựng bị đình trệ đã đem đến những tác động tiêu cực đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm khó tìm được đầu ra” – KTS Hoàng Quang Huy nhìn nhận.

Tăng cường liên kết

Báo cáo từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm cả nước chỉ cấp mới thêm 12 dự án phát triển nhà ở và 5 dự án bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng. Trong khi đó, 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 350.000 tỷ đồng, tương đương 55% tổng vốn đầu tư công. Thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động xây dựng khác cũng bị đình trệ do dịch Covid-19 khiến cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, ngành thép nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, KTS Trần Hoàng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mục tiêu từ nay đến cuối năm các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2020. Nhiều dự án đã được Chính phủ kiến nghị Quốc hội chuyển đổi sang thực hiện bằng vốn đầu tư công, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; chuyển 3 thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công... “Tôi cho rằng, với việc Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công sẽ giúp tiêu thụ một lượng lớn vật liệu xây dựng đang tồn kho trên thị trường” – KTS Trần Hoàng nhận định.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa, những khó khăn hiện nay sẽ còn theo đuổi các DN ngành thép trong một thời gian dài nếu như không có sự thay đổi về chiến lược sản xuất, kinh doanh. “DN ngành thép cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng lực quản trị tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Quan trọng nhất là cần thay đổi chiến lược kinh doanh và phải liên kết lại, để có thể tiêu thụ được sản phẩm cho nhau” – ông Nghiêm Xuân Đa cho hay.
Thời gian gần đây, thép là một trong những sản phẩm bị khởi kiện nhiều nhất khi tham gia xuất khẩu, liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ... Trước những khó khăn hiện nay, DN thép cần phải xây dựng chiến lược xuất khẩu một cách cụ thể, bài bản, không tham gia hay tiếp tay cho những hành vi gian lận xuất xứ và phải nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng