Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng gia đình văn hóa trong đồng bào dân tộc miền núi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được TP Hà Nội quan tâm. Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), một nhiệm vụ khác cũng rất được chú trọng là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, với trọng tâm là phát triển gia đình văn hóa (GĐVH).

Từng bước thực hiện nếp sống văn minh

Trong xu thế phát triển chung của xã hội, đồng bào DTTS của Thủ đô đã nhận thức đúng đắn và từng bước xóa bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp. Xã An Phú, huyện Mỹ Đức là địa phương vẫn còn 19,52% đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, trình độ dân trí vẫn còn những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, đời sống văn hóa nơi đây đã có nhiều đổi mới, đáng chú ý trong việc  cưới, việc tang đã không còn tình trạng hút thuốc lá và uống rượu say thâu đêm suốt sáng. Đám cưới được tổ chức không phô trương, vụ lợi, cô dâu và chú rể cũng được khuyến khích mặc trang phục truyền thống. Ông Bùi Tiến Nghĩa - Trưởng thôn Đình cho biết, trong thôn khi có người mất không còn tình trạng để thi hài kéo dài nhiều ngày như trước mà được mai táng sau 28 giờ.
Biểu dương, khen thưởng các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2014.
Biểu dương, khen thưởng các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2014.
Tại huyện Ba Vì - nơi còn tới 7 xã nghèo có đồng bào DTTS sinh sống, nếp sống văn minh cũng đang len lỏi vào từng hộ dân. Theo ông Lý Văn Phủ - Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, nếu như trước đây có khách, các gia đình thường lấy rượu và ép khách uống cho tới say mới thôi, hay trong các cuộc vui, việc uống rượu thường kéo dài có khi đến hết ngày, thì thói quen đó nay đã không còn. Hay như tại huyện Quốc Oai, việc ăn uống trong lễ tang đã được hạn chế rất nhiều. 

Bên cạnh những chuyển biến trong đời sống văn hóa, công tác phát triển GĐVH trong đồng bào DTTS của Thủ đô vẫn còn nhiều việc phải làm. Tỷ lệ làng văn hóa tại một số xã thuộc 5 huyện tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn TP còn thấp. Đơn cử như tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, mới chỉ có 3/13 làng đạt danh hiệu làng văn hóa. Trước sự phát triển nhanh của đời sống xã hội, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống - tiêu chí quan trọng trong đánh giá GĐVH hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nét văn hóa truyền thống như cồng chiêng, trang phục truyền thống, tiếng nói - chữ viết… đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Ngược lại, một số hủ tục lạc hậu, lối sống chưa phù hợp vẫn còn tồn tại.     

Tăng cường tuyên truyền

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cụ thể là xây dựng GĐVH đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô. Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền, vận động, tìm kiếm sự đồng thuận của người dân được xem là nhiệm vụ then chốt. Ông Lê Khắc Nhu - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết, trong những năm qua, việc xây dựng GĐVH trong đồng bào DTTS luôn được chính quyền các cấp của huyện quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, Phòng Dân tộc đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng GĐVH, làng bản, khu phố văn hóa. Các tổ chức, đoàn thể phát động nhiều phong trào như: "Nuôi dạy con ngoan"; "Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo"; "Gia đình dòng họ hiếu học"… Cùng với việc tuyên truyền vận động, nhiều địa phương như Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ cũng đã thành lập và đi vào hoạt động nhiều loại hình câu lạc bộ như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đồng thời, biểu dương kịp thời các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi…

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng GĐVH, Ban Dân tộc TP sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Người tốt việc tốt"… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình đồng bào DTTS của Thủ đô, phấn đấu để mỗi gia đình trong cộng đồng các dân tộc thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh cho sự phát triển chung của Thủ đô.