Chủ trì hội thảo gồm: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hội thảo là dịp để Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng với các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu, dưới cả lăng kính lý luận lẫn thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, đây là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…
Hội thảo đã nhận được 22 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống công đoàn về các chuyên đề: cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, pháp lý về xây dựng giai cấp nhân hiện đại, lớn mạnh; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế; khái niệm, đặc điểm, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đồng thời làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân trên các mặt việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần và chính sách an sinh xã hội của người lao động...
Hội thảo diễn ra gồm 2 phiên: cơ sở lý luận, pháp lý về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương, hai trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận mới, sâu sắc về giai cấp công nhân Việt Nam cũng như vai trò của tổ chức công đoàn với công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, ngày càng sâu rộng.
Đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân đến 2030 và tầm nhìn 2045 mà văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt ra; đồng thời cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.