Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng luật phải nghĩ đến nông dân

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quan điểm được các thành viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội nhấn mạnh khi thảo luận về Dự án Luật Thủy lợi, ngày 12/9, ngay sau khi khai mạc phiên họp thứ 3.

Từ “thủy lợi phí” sang  “giá dịch vụ thủy lợi”

Phí thủy lợi là vấn đề được quan tâm trong Dự luật Thủy lợi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, cơ quan thẩm tra nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.

Nhấn mạnh vấn đề phí, giá là vấn đề “đụng” đến đời sống và nhận thức của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: Phí để làm nông nghiệp là cao so với thu nhập của người nông dân, nên cần nghiên cứu tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường thì phải là giá dịch vụ. “Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu, nên Luật làm gì tốt nhất cho người dân. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thủy lợi cũng cần làm rõ. Không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước” - ông Bình bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Giải trình trước UBTV Quốc hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Việc chuyển từ phí sang giá vì thủy lợi phí không nằm trong Luật Phí đã được Quốc hội thông qua và nhằm thực hiện chủ trương của Đảng. Cùng với đó, Nhà nước cũng có những chính sách đầu tư, hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu để nghiên cứu kỹ hơn về chính sách, quyền tiếp cận của người dân”. Nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, giá dịch vụ có thể tác động đến 80% số hộ nông dân, do đó cần có chính sách và phải có lộ trình.

Quản lý công trình thủy lợi chưa phù hợp

Lưu ý trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, vấn đề này liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn là thảm họa. Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ, ngành, địa phương phải làm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thủy lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc quản lý công trình thủy lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý Nhà nước, vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân DN hưởng lợi, thất thoát nước rất lớn, một số hồ xuống cấp do nhiều năm thiếu tiền đầu tư... Phải đưa ra mô hình quản lý phù hợp, nếu không chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Dự luật chưa bao quát hết được công tác thủy lợi trong tình hình mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục vụ tái sản xuất nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ và lưu ý bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống luật. 
Tách bạch giữa quản lý và kinh doanh đường sắt

Cùng ngày, cho ý kiến vào Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, Dự luật cần phải thể hiện rõ nội dung về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt, đồng thời bổ sung việc xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là các ga trung chuyển để thực sự trở thành đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa và hành khách.

Xung quanh vấn đề kinh doanh đường sắt hiện nay, cần tách bạch rõ hơn giữa quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động kinh doanh của DN; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; khuyến khích sự tham gia đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Riêng đối với đất thuộc phạm vi hành lang ATGT đường sắt, các ý kiến đề nghị Dự luật giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy hoạch và quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo ATGT đường sắt.