Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bức tranh phát triển Thủ đô giai đoạn 2010 - 2015, những kết quả trong cải cách hành chính (CCHC) có thể nói là một “điểm sáng” với việc thực hiện có quả Chương trình 08 – CTr/TU của Thành ủy khóa XV về CCHC.

Minh chứng rõ nhất là Chỉ số CCHC cấp tỉnh 3 năm gần đây tăng liên tục, đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện CCHC. Điều này phản ánh chân thực những nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở vì mục tiêu ngày càng gia tăng sự hài lòng của người dân.

Tăng ứng dụng công nghệ, tăng chất lượng phục vụ

5 năm qua, nổi bật trong công tác CCHC của TP là hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước (CQNN) đáp ứng ngày càng tốt việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). 100% sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và hơn 80% xã, phường, thị trấn đã được cấp chứng chỉ ISO 9001:2008; mạng diện rộng của TP kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã và 130 xã, phường, thị trấn... Nhiều chương trình phát triển ứng dụng CNTT thành công tạo nền tảng cơ bản cho tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới “TP thông minh hơn”.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính.
Trong đó, đề án "cơ quan điện tử" đã được triển khai ở quận Tây Hồ, Long Biên, Thanh Xuân, huyện Thạch Thất, Chương Mỹ… trước khi nhân rộng toàn TP. Ứng dụng trang thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến đạt kết quả tốt; tỷ lệ cài đặt, sử dụng phần mềm “một cửa điện tử” tại sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đạt gần 100%. Toàn TP có 110 dịch vụ công đạt mức độ 3 và 3 dịch vụ công mức độ 4.

Tại quận Nam Từ Liêm, với hơn 4 triệu lượt truy cập, Cổng thông tin điện tử quận thực sự là kênh thông tin thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức  và Nhân dân. Quận đã triển khai 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 100% TTHC mức độ 2. Bộ phận "một cửa" đáp ứng mô hình điện tử, có hệ thống quét mã vạch cho dân tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ…

Từ những kết quả này, không quá tham vọng khi Nam Từ Liêm đặt mục tiêu trong 5 năm tới cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% giao dịch của công dân trên Cổng thông tin điện tử thông qua một tài khoản duy nhất... “Mục tiêu cuối cùng của ứng dụng CNTT là phục vụ người dân tốt nhất, trong đó chúng tôi chú trọng cung cấp thông tin không chỉ về TTHC mà cả quy hoạch, hộ tịch..., giúp hoạch định chiến lược đầu tư” - Phó Chánh văn phòng UBND phụ trách "một cửa" quận Nam Từ Liêm Nguyễn Sỹ Thắng chia sẻ.

Ở khối sở ngành, đi đầu trong ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC cho công dân phải kể đến Công an TP (CATP). Theo Phó Giám đốc Lưu Quang Hợi, cùng với làm thủ tục tiếp nhận cấp hộ chiếu phổ thông tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh và cử cán bộ đến trực tiếp nhận hồ sơ, CATP cũng tiếp nhận mẫu đơn đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua internet.

Đồng thời, triển khai thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư SAMS tại CA 12 quận trong quản lý hộ khẩu, giảm thao tác thủ công cho CA và giảm thời gian, đi lại cho công dân. Một số TTHC đã giảm 50% thời gian giải quyết như đính chính hộ khẩu, đăng ký mới sinh… Tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc phục vụ DN cũng giúp Sở KH&ĐT phát huy hiệu quả Bộ phận "một cửa", đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn tăng dần (3 năm 2012 - 2014 đạt lần lượt là 97,1%, 99,5%, 99,8%).

Không ngừng cải thiện sự hài lòng

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cho rằng: Cùng nỗ lực đầu tư nâng cao nguồn nhân lực, cơ sở vật chất…, chính những kết quả trong ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa nền hành chính đã góp phần cải thiện lòng tin của người dân, tổ chức, DN vào chất lượng giải quyết công việc. Cụ thể, Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2014 của Hà Nội đạt 91,21%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành; tăng hai bậc so với 2013 và bốn bậc so với 2012.

Kết quả “Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội năm 2014” do Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội vừa công bố cũng cho thấy, các cơ quan cung ứng dịch vụ đạt kết quả đáng ghi nhận, và sự phục vụ của cơ quan hành chính TP ngày càng được người dân và tổ chức đánh giá cao. Trong đó, hài lòng cao nhất là ở dịch vụ cấp Giấy CMND 91,33%, tiếp đến là cấp giấy khai sinh 87,09%...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định: Kết quả Chỉ số CCHC cấp tỉnh thể hiện chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC của Thủ đô, trong đó Sở Nội vụ phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực. Đáng chú ý, chỉ số tổng hợp và nhiều chỉ số thành phần tăng hơn các năm trước, góp phần cải thiện thứ bậc xếp hạng của TP: Chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách TTHC; hiện đại hóa hành chính, thực hiện một cửa, một cửa liên thông…

Đặc biệt, Hà Nội có nhiều sáng kiến trong CCHC, như công bố bộ dịch vụ công thí điểm theo cơ chế một cửa - khai trương Bộ phận một cửa tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và Công ty nước sạch số 2 Hà Nội, Công an TP đi đầu cả nước hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu dân cư trên địa bàn…

Về nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng: Yếu tố này thực ra không khó. Nếu cán bộ tiếp dân tươi tỉnh, nhã nhặn thì dù chưa được nhận ngay kết quả hồ sơ, người dân cũng hài lòng, dễ dàng chia sẻ khó khăn.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị ngoài việc duy trì, cải thiện những chỉ số thành phần đạt cao, cần tổ chức quán triệt kết quả chỉ số CCHC để giải quyết ngay những hạn chế. Trước hết, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đổi mới cơ chế tài chính. Với tinh thần cầu thị chắc chắn công tác CCHC của Hà Nội trong những năm tới sẽ có bước tiến mới đáp ứng yêu cầu hội nhập và đòi hỏi của Nhân dân.
Quyết tâm vượt những rào cản

Để CCHC hiệu quả, quan trọng nhất là phải có “người cầm cờ” quyết tâm và đội ngũ cán bộ từ quận đến phường say mê CCHC, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cán bộ, viên chức. Nhìn lại có thể thấy khó khăn phía quận không đáng kể, mà chủ yếu do chính sách. Khó nữa là, TP chưa phân cấp mạnh cho quận, huyện chủ động triển khai CCHC (nhất là phần mềm ứng dụng), nên chưa đáp ứng thực tiễn. Cấp quận sát dân, áp lực rất lớn, song bằng giá nào chúng tôi cũng quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào CCHC và bản thân công tác CCHC cũng phải quyết liệt. Kể cả những rào cản khách quan, mình sẽ cố gắng tự giải quyết theo tinh thần: Cái gì có lợi cho dân, đúng chính sách, mong đợi của dân thì phải chủ động, không ỉ lại.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ
Mong được trang bị  hiện đại để phục vụ DN

Do đầu tư nâng cấp trang thiết bị chưa đồng bộ, nên việc kết nối để thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành công thương và giữa ngành với các tổ chức, DN còn hạn chế, chưa đáp ứng hết nhu cầu của các dịch vụ đang triển khai. Cùng với cố gắng của bản thân, chúng tôi rất mong trang bị được máy móc hiện đại, nhằm giúp kiểm soát cán bộ trong quá trình phục vụ DN; hoặc khi DN giao dịch mà muốn góp ý thì có thể phản ánh ngay chứ không cần trực tiếp gặp lãnh đạo Sở. Ngoài ra, Sở rất mong TP quan tâm nâng cấp các dịch vụ công mức độ 2 lên mức 3 và từ mức 3 lên mức 4. Thực tế, dịch vụ công mức 3 chưa thực sự đáp ứng giao dịch trực tuyến, chưa giảm nhiều thời gian đi lại cho DN. Những đề xuất này đã được Sở đưa vào kế hoạch 2016.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan