Để thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, Dự thảo đã đề ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp… Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo nêu rõ: Việc thực hiện Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra một bước ngoặt cho nền tư pháp nước nhà, mục tiêu chung là xây dựng một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đã, đang và sẽ xây dựng.