Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nhà ở công nhân: Không sửa luật khó thu hút đầu tư

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng cho công ty thuê tại các địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất; đồng thời cần sửa đổi Luật nhà ở, Đất đai, Kinh doanh bất động sản để thu hút đầu tư.

Vẫn nhiều vướng mắc

Chia sẻ tại tọa đàm “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực hiện và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 3/11, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch vụ do tập trung đông lao động, nhất là các tỉnh phía Nam.

 Các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và gải pháp" chiều 3/11. 

Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Hưng, cần lưu ý các cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Điển hình là các cơ chế chính sách ưu đãi, thực chất không phải dành cho chủ đầu tư, bởi trong Luật nhà ở và các quy định liên quan, các chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư. Do vậy, chính sách ưu đãi chưa thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia thực hiện các công trình này.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có cơ chế chính sách riêng về 10 nhóm đối tượng nhận ưu đãi, đó là nhóm công nhân khu công nghiệp.

Cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng chưa sát thực tế. Hiện, rất ít chủ đầu tư được thụ hưởng bởi thường các DN sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thì không có chức năng ngành nghề đầu tư xây dựng nhà ở nên rất ít DN được hưởng chính sách này.

Còn theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Nhạc Phan Linh, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết.

“Hình ảnh đoàn người rời khỏi các trung tâm kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua, đã cho thấy những vấn đề liên quan nơi ở, chưa thể an cư lạc nghiệp nên khi biến cố xảy ra, các vấn đề về an sinh, phúc lợi không đảm bảo thì hệ quả đáng buồn này” - ông Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Sửa luật để thu hút đầu tư

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, để sử dụng hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư, Chính phủ cần có những chính sách đồng bộ để triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển khu công nghiệp mới. Trong đó, những vấn đề cần được giải quyết như: Các quy định còn chồng chéo về lựa chọn chủ đầu tư, khoảng cách an toàn với khu dân cư gần khu công nghiệp…

 Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh họa

Ông Nhạc Phan Linh đề xuất, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại các địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang có đoàn công tác 5 tỉnh phía Nam để làm việc với thường trực tỉnh uỷ các tỉnh đề xuất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trước đó, Tổng Liên đoàn đã làm việc với 22 địa phương để triển khai Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” – ông Nhạc Phan Linh cho hay.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên còn gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được DN đầu tư theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021.

Mới đây (ngày 27/10), Tổng Liên đoàn đã có Tờ trình số 46/TTr-TLĐ trình Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị thí điểm cho Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất một số giải pháp về nhà ở cho công nhân.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Cụ thể, bổ sung Tổng Liên đoàn là đối tượng được giao đất xây dựng nhà ở công nhân, theo đó sửa đổi, bổ sung Điều 54, Điều 55 của Luật đất đai 2014.

Về vấn đề này, đại diện Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với gói tín dụng 65.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để “mở đường” cho nhà ở công nhân như về quy hoạch, quỹ đất; đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân.

Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư các dự án trong Chương trình được hưởng ưu đãi của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và các pháp luật khác liên quan. Cùng với đó, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân thuê tạo ra 500.000m2 - 1.000.000m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000-100.000 công nhân được thuê tại các địa phương đã được bố trí đất với chính sách đặc thù.