Thiếu tính bền vững
Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng loạt tại hơn 9.000 xã của 63 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó 11 xã được chọn xây dựng mô hình điểm của T.Ư. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước đã xây dựng được gần 7.000 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và tập huấn cho 124.000 lượt nông dân, góp phần tăng thu nhập. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với cơ giới hóa hay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đã hình thành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ, liên kết lỏng lẻo và chưa xây dựng được thương hiệu vùng cho những nông sản chủ lực. Hơn nữa, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, tín dụng và thông tin thị trường. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, quá trình xây dựng NTM của các địa phương chưa quan tâm đến các yếu tố văn hóa, môi trường. Do vậy, nhiều tiêu chí như giao thông, cơ sở văn hóa, môi trường, thu nhập... có số xã đạt chuẩn thấp (dưới 15%).
Ngoài ra, PGS.TS Vũ Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN&PTNT chia sẻ, một số mô hình điểm NTM chủ yếu mới chỉ tạo ra hình thức bên ngoài, còn chất lượng cuộc sống của người dân tuy có được nâng cao nhưng chưa bền vững. Trên phạm vi rộng hơn, nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh rất bức xúc như nông dân bỏ ruộng, lợi nhuận thu được từ sản xuất nông nghiệp giảm sút, khoảng cách thu nhập của dân cư giữa thành thị và nông thôn ngày càng mở rộng... Vì vậy, các mô hình điểm NTM cấp xã rất khó có khả năng nhân ra diện rộng.
Phát triển mạnh mẽ sản xuất
Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, chương trình xây dựng NTM phải hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương, còn Nhà nước đóng vai trò định hướng. Do vậy, giải pháp đột phá cần tính đến là xác định lại chiến lược phát triển nông nghiệp dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế so sánh của từng vùng, tiểu vùng sinh thái. Trên cơ sở đó, các địa phương quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất cho phù hợp. Đối với các ngành hàng nông sản có khối lượng hàng hóa lớn như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, tôm, cá tra, lợn, gà, bò sữa... nhất thiết phải được tổ chức sản xuất theo hợp đồng và quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản đóng vai trò là "nhạc trưởng" trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp sẽ đứng ra cung ứng nguồn giống xác nhận, vật tư nông nghiệp và dịch vụ khuyến nông cho nông dân. Để đẩy mạnh mối liên kết này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp thực hiện tổ chức sản xuất theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, TS Đào Thế Anh - Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn một cách toàn diện để nâng cao đời sống cho người nông dân. Theo đó, không chỉ tập trung vào nông nghiệp mà còn phát triển cả các hoạt động phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tại nông thôn. Trong đó, phát triển các cụm nông nghiệp, công nghiệp, hình thành các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, đồng thời đào tạo, nâng cao năng lực cho người nông dân để họ ở lại làm việc và làm giàu ngay tại quê hương.
Trồng hoa công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiện Quang
|
Mỗi xã, thôn nên có ít nhất 1 - 2 mô hình sản xuất hàng hóa, tập trung vào sản phẩm chủ lực gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |