Xây dựng nông thôn mới cần có trọng tâm, trọng điểm

Tin, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/11, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Đời sống, sản xuất cải thiện rõ rệt

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, diện mạo huyện Sóc Sơn đã có nhiều đổi thay tích cực. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 5 năm qua tăng trưởng trung bình 8,83%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 3,87%/năm. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt trung bình 152 triệu đồng. Đã xây dựng được 5 nhãn hiệu nông sản được công nhận; hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh (lúa, chè, bưởi, rau hữu cơ) và 79 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm…
 Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình bưởi ngọt tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn chiều 29/11
Qua 5 năm triển khai, đến hết năm 2016, toàn huyện có 15/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 10/25 xã còn lại đã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 17 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm, đầu tư ngày một đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 35 triệu đồng/năm (tăng 16% triệu đồng so với năm 2010). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh ngày một được nâng cao. 25/25 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Là huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS với tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 52%. Hiện, 100% người dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Tiếp tục ưu tiên đầu tư

Đánh giá cao kết quả mà huyện Sóc Sơn đã đạt được trong triển khai Chương trình 02-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Có thể kể đến là việc địa phương chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trọng điểm. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới chỉ tập trung ở một số mô hình. Đời sống của người dân một số xã xa trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 36%. Kết quả thực hiện một số tiêu chí như môi trường, văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất mới đạt mức cơ bản, chưa bền vững…
 Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi lợn bằng giun quế tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn chiều 29/11
Về nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu địa phương tập trung thực hiện các nội dung theo kết luận của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc mới đây. Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên tuyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội chung tay xây dựng NTM. Phấn đấu hoàn thành xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nhất là trong tháng 6/2017 nhằm tạo cơ sở, điều kiện để bà con phát triển sản xuất. Xây dựng thêm những vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn hơn, trong đó, nhất định phải ứng dụng công nghệ cao vào tăng giá trị sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh: Công tác xây dựng NTM giai đoạn tới được nhìn nhận là sẽ khó khăn hơn. Do vậy, huyện Sóc Sơn nói riêng, các địa phương nói chung trong quá trình xây dựng NTM cần tranh thủ sự ỗ trợ của TP và các quận, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thành NTM tới đâu, bền vững tới đó. Phó Bí thư Thường trực cũng cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhìn chung còn khó khăn, tuy nhiên, Hà Nội vẫn sẽ cố gắng cao nhất để đảm bảo tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần