Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Nông thôn mới ở Gia Lâm: Những bước đi vững chắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành phê duyệt Đề án xây dựng NTM của tất cả các xã và phê duyệt đồ án quy hoạch NTM của 18 xã. Rất nhiều công trình, đường sá, trường học... được xây dựng và đưa vào sử dụng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Diện mạo mới
 
Đến xã Đa Tốn, xã điểm NTM của huyện Gia Lâm thời điểm này, không khí xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh trong đề án NTM rất khẩn trương, sôi động. Theo UBND xã Đa Tốn, hiện nay xã đang triển khai thực hiện hàng loạt các dự án như: Dự án đường trục và hệ thống thoát nước thôn Đào Xuyên, Lê Xá với tổng chiều dài 1.249m; Dự án đường trục và hệ thống thoát nước thôn Ngọc Động dài 1.566m; Dự án đường và hệ thống thoát nước ngõ xóm thôn Khoan Tế dài 1.250m; xây dựng trụ sở UBND; trường mầm non, tiểu học; điểm thu gom rác thải cho 2 thôn Lê Xá và Ngọc Động; Dự án nước sạch và vệ sinh môi trường...
 
Tính đến nay, xã Đa Tốn đã thi công xây dựng xong Đài truyền thanh xã với tổng số tiền đầu tư 2,1 tỷ đồng. Xã cũng xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ với quy mô 100ha và vùng trồng hoa diện tích 2ha.
 
 
Xây dựng Nông thôn mới ở Gia Lâm: Những bước đi vững chắc - Ảnh 1
 
Đường làng, ngõ xóm khang trang tại xã Đa Tốn, xã điểm NTM của huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Hoàng
 
Ngoài ra, UBND xã Đa Tốn đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thực hiện các dự án sửa chữa, xây dựng 5 trạm bơm; Dự án kè một số đoạn đường và bờ sông Cầu Bây trước cửa miếu Cầu Vương thôn Thuận Tốn; Nhà văn hóa thôn Khoan Tế; Trung tâm văn hóa và thể thao xã Đa Tốn;  xây dựng mở rộng, nâng cấp chợ Bún... xã Đa Tốn đã có 16/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM, chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, môi trường và cơ cấu lao động.
 
Ông Phùng Xuân Việt, Huyện ủy viên - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, toàn huyện đã có 17 xã trình huyện thẩm định, phê duyệt kế hoạch chi tiết phân kỳ đầu tư thực hiện dự án theo Đề án xây dựng NTM. Trong đó, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch của 5 xã (Đa Tốn, Đình Xuyên, Dương Hà, Kim Lan, Đông Dư), 12 xã còn lại tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện. Cùng với đó, 18 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch NTM.
 
Dự kiến, trong tháng 9/2012, huyện sẽ hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng NTM của toàn bộ 20/20 xã trên địa bàn.Trong quy hoạch xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên quy hoạch các vùng sản xuất tập trung.
 
Theo đó, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện Gia Lâm được xác định là: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Bắc Đuống, Nam Đuống, Kiêu Kỵ, Dương Xá, thị trấn Trâu Quỳ; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Văn Đức, Yên Viên, Yên Thường, Đặng Xá, Lệ Chi; Đông Dư; vùng cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung tại các xã Đa Tốn, Đông Dư, thị trấn Trâu Quỳ...
Tích cực triển khai
 
Ông Nguyễn Hùng, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, được sự quan tâm của các sở, ngành thành phố, sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND và BCĐ xây dựng NTM huyện, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định.
 
Đến nay, huyện đã hoàn thành việc phê duyệt Đề án xây dựng NTM của các xã và toàn bộ 20 xã trên địa bàn đã lập xong đồ án quy hoạch NTM, trong đó có 18 xã được UBND huyện phê duyệt. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM đã và đang nhận được sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp và đông đảo người dân.
 
Ngay từ đầu năm, Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong giai đoạn mới gắn với thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM".
 
Hội Nông dân huyện cũng triển khai các giải pháp tham gia; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đề ra các nhiệm vụ cụ thể như giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường ở cơ sở; Huyện đoàn phát động tới 100% các chi đoàn cơ sở tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, LĐLĐ huyện triển khai phong trào CNVC, lao động chung sức xây dựng NTM…
 
Qua đó, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Văn Trịnh, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ triển khai các dự án thành phần còn chậm; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị còn chưa chặt chẽ; công tác chỉ đạo của một số xã còn lúng túng, bị động...
 
Chính vì vậy, huyện đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM. Từ nay đến cuối năm, huyện Gia Lâm phấn đấu hoàn thành phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án xây dựng NTM các xã giai đoạn 1 (2012 - 2015) và định hướng cho các xã giai đoạn 2 (2016 - 2020).
 
Huyện cũng đang chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn hướng dẫn, đôn đốc các xã tập trung xây dựng các dự án thành phần theo phân kỳ đầu tư năm 2012 đảm bảo đúng quy trình và có hiệu quả. Đồng thời, tập trung chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa, nhất là 4 xã hoàn toàn nằm trong khu vực nông thôn là Trung Mầu, Lệ Chi, Kim Sơn và Dương Quang.q

 
Huyện Gia Lâm đặt mục tiêu, trong năm 2012 có 2 xã đạt 14 - 18 tiêu chí là Đa Tốn (16/19 tiêu chí) và Ninh Hiệp (15/19 tiêu chí); 11 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, gồm: Phú Thị, Đặng Xá, Cổ Bi, Dương Xá, Phù Đổng, Yên Viên, Đình Xuyên, Bát Tràng, Văn Đức, Kim Lan và Đông Dư.